Chào cả nhà, bài viết này Liên sẽ tiếp tục seri bài viết về chùa chiền ở Chiang Mai (Thái Lan). Hôm nay thì mình sẽ giới thiệu một ngôi chùa khác ở Chiang Mai. Nó cũng ngay bên ngoài Old City, đối diện dãy tường thành phía Bắc. Đó chính là Wat Lok Moli. Điều thú vị là hầu hết các ngôi chùa Phật giáo đều hướng về phía Đông, hướng về phía mặt trời mọc. Thế nhưng chùa này lại được xây xếp dọc theo trục Nam – Bắc.

Ảnh: Lien Pham
Wat Lok Moli nằm ở đâu?
Wat Lok Moli nằm ở phía ngoài thành cổ Old City ở Chiang Mai (Thái Lan). Nó nằm ở phía Bắc của hào Bắc. Chùa này cũng là một chùa mình vô tình tạt vào khi đạp xe xung quanh 4 dãy tường thành cổ của Chiang Mai chứ không lên kế hoạch từ trước.
(Cấu trúc thành cổ là bức tường thành hình vuông 4 mặt, có chu vi 8km. Bên ngoài thành có rãnh hào sâu, tương tự như ở Angkor. Đây là một kiểu kiến trúc để phòng thủ rất phổ biến của các thành cổ/ kinh đô/ lâu đài thời phong kiến. Nhiều nơi thì tận đụng địa hình tự nhiên là các kênh rạch hoặc sông để làm hào nước cho cấu trúc này).
Lịch sử Wat Lok Moli
Wat Lok Moli (hay còn có tên là Wat Lok Molee) là một ngôi chùa Phật Giáo được cho là ra đời vào thế kỷ 14. Người ta không biết chính xác thời gian chùa này được xây dựng. Tuy vậy nó đã được nhắc đến trong lịch sử triều đại Mengrai. Được biết, vị vua thứ sáu của triều đại là Vua Kuena (1355-1385), đã mời mười nhà sư Phật giáo từ Miến Điện để truyền bá giáo lý của họ về Phật giáo Nguyên thủy. Trong thời gian ở Chiang Mai, các nhà sư lưu trú tại Wat Lok Molee.
Nhiều tài liệu cho biết, năm 1527, Vua Ket (còn được gọi là Mueangketklao hoặc Phra Kaew Muang) đã ủy thác để xây dựng bảo tháp. Năm 1545, ông cũng đã xây dựng viharn (hội trường). Trong khoảng thời gian tồn tại của mình, hoàng gia Mengrai chịu trách nhiệm bảo tồn ngôi chùa này.
Wat Lok Moli có gì hay?
Bước vào trong chùa, điểm đặc biệt đầu tiên gây chú ý cho mình là cây vàng, cây bạc trong chùa. Tiếp đó đập vào mắt là có 1 tòa nhà được xây kiểu kiến trúc Lanna truyền thống nhưng có tường được khảm bằng bạc, lấp lánh. Riêng ngay bên ngoài cổng, có một tượng thần khỉ Hanuman khổng lồ đứng canh, trông rất uy nghiêm.
https://www.instagram.com/p/B180GsuFj5n/
Riêng phần khuôn viên phía sau chùa còn có một tòa bảo tháp (chedi) hình kim tự tháp. (Ở Thái Lan hoặc Miến Điện thì mỗi ngôi chùa là một khu phức hợp gồm một loạt tòa nhà/ bảo tháp. Mà mỗi tòa nhà/ bảo tháp này lại là một chùa riêng, được xây ở khoảng thời gian khác nhau).
Bảo tháp khổng lồ của chùa này được làm bằng gạch, trong khi các bảo tháp khác ở Chiang Mai hầu như đều làm bằng vữa. Bảo tháp ngồi trên một cái đế vuông lớn, phần nào nó trông giống như kim tự tháp (?) đội thêm cái chuông. Mỗi bên của phần trên của bảo tháp có một hốc chứa hình Phật. Có cả một bức tượng phật được thờ ở trên cao.
Người Thái đến đây cầu nguyện thường sẽ múc nước thiêng bằng một cái gáo nhỏ cho vào đồ đựng nước, bỏ lên sợi dây ròng rọc và kéo nước lên cao, rưới lên bức tượng Phật.
https://www.instagram.com/p/B0_NkwDJ8DF/
Bảo tháp này lưu giữ tro cốt của các vị vua triều đại Mengrai từ thế kỷ 13 cho đến năm 1558 – khi Miến Điện xâm chiếm vương quốc. Nó cũng đã được khôi phục nhiều lần trong nhiều thế kỷ và đang được bảo tồn rất tốt. Đi quanh thì thấy tòa bảo tháp này không có lối vào, dường như là chúng được xây khít nhau, không có không gian rỗng bên trong.
Riêng cây vàng, cây bạc thì mình chưa thấy tài liệu nào nhắc đến. Do đó bản thân mình cho rằng đây là những phần mới được thêm vào. Điều này được làm trong thời hiện đại với mục đích du lịch!
Thông tin thêm:
Thông thường người ta gọi lẫn lộn giữa chùa/ đền/ bảo tháp, thì sau khi tìm hiểu/ đọc một số chỗ thì mình thấy có điểm khá chung là:
+ Chùa là một thuật ngữ gọi chung cho một bảo tháp hoặc một ngôi đền.
+ Bảo tháp là những ngôi chùa mà bạn có thể đi xung quanh nhưng bạn không thể đi vào – vì không có lối vào.
+ Đền là những ngôi chùa mà bạn có thể đi vào bên trong và thông thường chúng có bốn lối vào và lối ra nằm ở phía bắc, nam, đông và tây
Xem thêm bài viết về các ngôi chùa ở Chiang Mai:
- Wạt vào Wat Buppharam – ngôi chùa trong phim “Lost In Thailand”
- Wat Suan Dok – ngôi chùa có khu vườn bảo tháp trắng kỳ lạ.
- Ghé thăm Wat Umong – ngôi chùa có đường hầm 700 tuổi ở Chiang Mai
- Một ngày ở Chiang Mai – xứ sở của những chùa tháp tuyệt đẹp
Xem thêm các bài viết khác:
- Kinh nghiệm du lịch tự túc Chiang Mai, Thái Lan đầy đủ nhất
- Khantoke – bữa ăn tối kiểu hoàng gia của vương quốc Lana ở Chiang Mai (Thái Lan)
- Du lịch Chiang Mai tự túc: Nên đi Doi Suthep hay Doi Inthanon?
- Từ Thái Lan, vượt sông Mekong qua đảo Don Sao (Lào)
- Amazing Thailand: Tam Giác Vàng huyền thoại – biên giới Lào – Thái – Myanmar
- Gợi ý lịch trình 10 ngày đi hết phía Bắc Thái Lan từ Bangkok
- Kinh nghiệm thuê xe máy ở Chiang Mai, Thái Lan.
- Review tàu hỏa từ Bangkok đi Chiang Mai: tàu đêm Thai Railways #51
- Lễ hội Loy Krathong là gì? Loy Krathong năm 2019 diễn ra vào ngày nào?
No Comments