Một trong những chuyện hề hước nhất khi hồi hổm mình đi Chiang Mai ấy là “lộn xì ngầu” vụ đi xe phía bên tay trái hay phía tay phải. Chuyện là ở bển người ta lưu thông trên đường đều đi bên trái, người Việt mình đi bên phải. Mà hồi ấy mới qua nên mình chưa quen. Ấy vậy là lúc thuê xe đạp để đi vòng vòng thành phố thì mình quên ngược quên xuôi. Đến đoạn ngã 4 thì không biết cua thế nào cho phải phép. Thế là khi đạp xe dọc mấy bức tường thành của tòa thành Old City, vì tránh xe máy nên mình quoẹo luôn xe đạp vào ngôi chùa ngay bên tay trái, ngay góc đường.
Đó chính là lý do mình “tạt” vào Wat Buppharam – ngôi chùa của phim LOST IN THAILAND mà không hề biết trước :))

Thuê xe đạp đi vòng quanh, khám phá tòa tường thành bên ngoài Old City
Sau khi “tạt” vào chùa như đã kể ở trên với một cái lý do khá là củ chuối, đầu tiên là tụi mình được chỉ đến chỗ mua vé vào cổng. Vé lúc này là 20 baht/ người. Ông chú bảo vệ chào tụi mình hối hả bằng tiếng Hoa. Hỏi ra mới biết vì khách Trung Quốc đến đây nhiều lắm, nên họ tưởng tụi mình cũng là người Trung Quốc.
Hỏi thêm chút nữa thì hóa ra vì ngôi chùa này xuất hiện trong cảnh quay của bộ phim LOST IN THAILAND nổi tiếng do Thành Long đóng.
(Sau này đi Thái về rồi mới lục phim này xem. Xem xong thì chao ơi là nhớ Thái Lan các cậu ạ, huhu).
Chiang Mai là một thành phố có sự pha trộn của các nền văn hóa. Bạn có thể thấy cả ảnh hưởng kiến trúc của các nước láng giềng Thái Lan trong nhiều công trình chùa chiền ở đây. Wat Buppharam là một ví dụ.
Wat Buppharam nằm ở đâu?
Wat Buppharam không nằm trong “lãnh thổ” của thành cổ (Old City) mà nằm ở bên ngoài 4 bức tường thành này. Nếu bạn nào đến chùa sẽ thấy chùa rất gần một cái ngã 4, sát với bức tường thành cổ Old City (trên đường Tha Pae, phía đông của cổng Tha Pae). Từ bất cứ nơi nào trong Old City, bạn đều có thể dễ dàng đến đó bằng tuk tuk/ songthaew hoặc tự mình thuê xe đạp/ xe máy.
Giờ mở cửa: Sân chùa mở cửa hàng ngày từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều.

Chân dung một phần ngôi chùa

Hình ảnh Wat Buppharam nhìn từ bên ngoài cổng chính. Nếu nhìn kỹ bạn sẽ thấy có chú vịt Donal được đặt phía trước, có cả hươu cao cổ. Bởi vậy nếu bạn hỏi ngôi chùa có Donal Duck thì đôi khi người dân địa phương sẽ chỉ cho bạn tới đây.
Wat Buppharam có bề ngoài rất đẹp với nhiều tòa nhà riêng biệt và được xây theo các kiểu kiến trúc khác nhau: kiến trúc Lanna, kiến trúc Miến Điện (có một giai đoạn Lanna bị Miến Điện xâm lược trong 2 thế kỷ). Do đó mỗi tòa nhà là một màu sắc khác biệt.
Wat Buppharam có gì hay?
Wat Buppharam, có chỗ cũng viết là Wat Bupparam, đều là chỉ chung ngôi chùa này. Lưu ý: có 2 chùa cùng tên là Wat Buppharam. Một chùa ở Chiang Mai (chính là ngôi chùa được nhắc đến trong bài). Chùa còn lại là Wat Buppharam (có tên khác Wat Plai Klong) ở tỉnh Trat. Nghe đâu còn có một Wat Buppharam khác ở Georgetown, Malaysia.
Wat Buppharam đã được xây dựng ngay sau khi vua Lanna là Muangkaeo xuất gia năm 1495. Trước đây khu vực này là cung điện của ông cố của ông (vua Tilokarat). Năm 1497, Muangkaeo đã tặng tu viện cho Đức Phật. Theo các tài liệu lịch sử, một trận động đất dữ dội đã xảy ra vào thời điểm đó, nhưng ngôi đền đã không bị hư hại gì. Do đó người ta xem đây là một dấu hiệu tốt lành. Vì theo truyền thuyết trước khi Đức Phật chết cũng có một trận động đất xảy ra. Vì sự kiện này, nhà vua cho đúc một bức tượng Phật bằng bạc và đặt trong nhà nguyện của chùa.
Hiện tại, quần thể đền thờ bao gồm một ubosot (điện chính), hai tòa viharn, một hội trường pháp, một bảo tháp và một giếng nước thánh. Bên ngoài cổng chùa (hàng rào xung quanh chùa) được trang trí bởi các bánh xe pháp.
Lần tham quan này tụi mình chỉ mới xem kĩ được một số chỗ còn một vài nơi còn lại (2 tòa viharm, giếng nước thánh…) thì chưa ghé qua nên mình sẽ không đề cập ở phần dưới của bài viết này.
Dramma Hall (hội trường pháp)
Tòa nhà đầu tiên mà bạn gặp là Ho Phra Monthiantham 2 tầng (Dhamma Hall). Đây là khu vực cộng đồng để giảng dạy và thiền định.

Cận cảnh tòa nhà Dhamma Hall. Có thể nói máy ảnh không thể ghi lại hết sự rực rỡ, tuyệt đẹp của công trình này.

Mái nhà cong vút, bức tường trắng mạ vàng nằm nổi bật giữa nền trời xanh
Ho Phra Monthiantham được Abbot Phra Udom Kitti Mongkun xây thay thế tòa nhà gỗ ban đầu nhân dịp kỷ niệm 50 năm trị vì của vua Bhumibol Adulyadej.

Từng chi tiết được chạm khắc vô cùng công phu
Công trình lầu 1 được xây dựng theo phong cách mondop (chịu ảnh hưởng của các ngôi đền mandapa ở miền Bắc Ấn Độ). Cụ thể nó là một không gian hình vuông. Nó kết nối giữa phần mái bên trên và nền nhà ở dưới chính là những khối trụ to lớn. Chúng được xây lên để nhằm mục lưu giữ những vật thánh, chẳng hạn như là “Thánh thư, dấu chân của Đức Phật, v.v..”.

Nơi lưu giữ thánh thư, kinh sách Phật giáo

Những cuốn sách được cất giữ tại đây
Bảo tháp (chedi), cấu trúc lâu đời nhất
Một trong những kiến trúc lâu đời nhất còn lại là bảo tháp (chedi/ chùa) màu trắng được xây dựng cách đây hơn 4 thế kỷ theo phong cách Miến Điện và Môn. Bảo tháp trắng với ngọn lửa vàng được bảo vệ bởi 4 con sư tử theo phong cách Miến Điện. Chúng được được gọi là Singha trong tiếng Thái. Mỗi bên đều có một cái hốc màu đỏ tươi chứa một tượng phật bằng vàng.
Thông thường bảo tháp là nơi để thờ xá lợi Phật.

Dạng bảo tháp rất phổ biến trong kiến trúc chùa ở Chiang Mai này thật ra có ảnh hưởng từ miến Điện
Tòa nhà Viharn theo phong cách Lana
Viharn là nơi để các nhà sư sau khi hành lễ ở sảnh chính xong thì trở về những khu vực này để tụng kinh. Tòa nhà Viharn theo phong cách Lanna được cho là có khả năng được xây hồi thế kỷ 16. Tuy nhiên công trình hiện tại là hiện đại hơn, vì tòa nhà đã được cải tạo vào năm 1819.

Một tòa nhà khác trong khu phức hợp được xây dựng theo kiểu kiến trúc Lanna truyền thống
Tòa nhà với kiểu kiến trúc truyền thống của người Lanna (được gọi là Ruen Ka-lae). Nó là loại nhà sàn mái tam giác giống như nhà của nhiều dân tộc khác ở Đông Nam Á. tuy nhiên có sự khác biệt là đầu hồi và cuối mái nhà thường có những thứ bằng gỗ chạm khắc bằng tay hình chữ V.
Lang thang Wat Buppharam, gặp anh chàng họa sĩ từ Bali
Ghé thăm Wat Buppharam, mình ấn tượng bởi không gian chùa vô cùng yên ắng chứ không đông nghìn nghịt như ở Wat Doi Suthep. Lý do là vì khách du lịch (các bạn Tây) cũng chưa biết nhiều về ngôi chùa này. Bởi thế nên tụi mình mới có được một buổi sáng bình yên quý báu.
Sáng hôm ấy, nán lại để lang thang trong khuôn viên Wat Buppharam, mình mong gặp cho được một vị sư để hỏi thăm, trò chuyện đặng biết thêm về nó. Tiếc là các sư ở đây không nói tiếng Anh nên đành chịu. Trong lúc dạo bộ, tụi mình bắt gặp một anh chàng họa sĩ người Bali đang hoàn thành những nét vẽ cuối cùng cho bức tượng Phật trước mặt. Anh vẽ đẹp và giống đến nỗi tụi mình chỉ đứng há hốc nhìn vì kinh ngạc.

Chùa rộng và yên tĩnh đến nỗi có anh bạn họa sĩ người Bali đến đây và ở lại đến vài ngày để vẽ cho xong một bức tượng Phật. Ngay sau đó, anh lại di chuyển tới những địa điểm khác, chỗ nào anh cũng nán lại tới vài ngày.
Đến Chiang Mai, với mình, mỗi ngày, mỗi điểm đến, mỗi cuộc gặp là một nhân duyên. Chuyến đi về miền đất lành này kết nối cho mình nhiều điều thú vị. Anh chàng họa sĩ hôm ấy kể rằng anh đến đây cùng cô bạn gái là một bác sĩ tâm lý người Đức. Hai người gặp nhau cũng nhờ du lịch. Cổ qua Bali nghỉ mát, quen anh này, chẳng hiểu sao yêu mến rồi ở lại luôn với anh.

Và tác phẩm đã hoàn thành xuất sắc
Ba tháng sau chuyến gặp gỡ của tụi mình tại Wat Buppharam thì anh thông báo họ chuẩn bị kết hôn, anh cũng mở được buổi triển lãm tranh đầu tiên cho mình. Cho đến nay, ghé thăm instagram của anh thì thấy 2 vợ chồng đã đón 1 bé gái kháu khỉnh ra đời.
Vậy đấy, tuy không gặp được các vị sư nhưng lại gặp được “đồng đạo”, chém qua chém lại với người có cùng sở thích, lòng thấy an vui vô cùng.
Xem thêm một số bài viết liên quan:
- Một ngày ở Chiang Mai – xứ sở của những chùa tháp tuyệt đẹp
- Review tàu hỏa từ Bangkok đi Chiang Mai: tàu đêm Thai Railways #51
- Kinh nghiệm du lịch tự túc Chiang Mai, Thái Lan đầy đủ nhất
- Khantoke – bữa ăn tối kiểu hoàng gia của vương quốc Lana ở Chiang Mai (Thái Lan)
- Du lịch Chiang Mai tự túc: Nên đi Doi Suthep hay Doi Inthanon?
- Từ Thái Lan, vượt sông Mekong qua đảo Don Sao (Lào)
- Amazing Thailand: Tam Giác Vàng huyền thoại – biên giới Lào – Thái – Myanmar
- Gợi ý lịch trình 10 ngày đi hết phía Bắc Thái Lan từ Bangkok
- Wat Suan Dok – ngôi chùa có khu vườn bảo tháp trắng kỳ lạ.
- Ghé thăm Wat Umong – ngôi chùa có đường hầm 700 tuổi ở Chiang Mai
- Kinh nghiệm thuê xe máy ở Chiang Mai, Thái Lan.
No Comments