Sau khi lên lịch trình đến Tam Giác Vàng, vùng biên giới giáp giữa 3 nước Lào – Myanmar – Thái Lan xong thì mình có thêm si nghĩ: hay đi thuyền trên sông Mekong dọc khu vực này rồi sang đảo Don Sao (Lào) ta? Do vốn máu ham chơi nên từ lúc nghiên cứu lịch trình, trong cái tour day trip từ Chiang Mai, mình thấy có thêm option này hấp dẫn quá, thế là book luôn. Tiện đi 1 lần đi luôn qua biên giới chơi.
Cái vụ đến biên giới thì mình có kể ở bài trước: Amazing Thailand: Tam Giác Vàng huyền thoại – biên giới Lào – Thái – Myanmar.
Bài hôm nay xem như là kể tiếp chuyện đến biên giới rồi qua Lào hen.
Từ Tam Giác Vàng (Golden Triange) lên đảo Don Sao (Lào)
Tam Giác Vàng (Golden Triange) là khu vực mà Thái Lan, Myanmar và Lào gặp nhau trên sông Mekong hùng vĩ. Khu vực này được biết đến với sự tham gia và sử dụng trong buôn bán thuốc phiện trước kia. Con sông đã cho phép thuốc phiện được vận chuyển từ Myanmar và Thái Lan đến Trung Quốc và Nam Đông Nam Á.
Ở đầu bài mình chém gió chút chứ lý do chọn qua biên giới là vì mình vẫn mê tìm hiểu về khu vực Tam Giác Vàng này. Cộng thêm là muốn đóng thêm cái mộc vô passport khi đi qua Lào cho nó cool ngầu. Cơ mà đi rồi mới biết qua đảo này thì không đóng mộc gì ráo trọi. Trước khi đi bạn phải nộp lại hộ chiếu cho bên phía Thái Lan, xong rồi khi về mới được trả lại.
Lên đảo Don Sao (Lào) không cần đóng mộc hộ chiếu
Thông thường khi bạn vào Lào, bạn cần phải có passport. Nhưng đảo Don Sao là khu đặc quyền kinh tế của Lào, có các quy tắc riêng nên không cần hộ chiếu làm gì. Bạn chỉ cần nộp phí để có giấy phép khám phá hòn đảo là được.
Như vậy là về mặt địa lý, đảo Don Sao là một phần của Lào. Do đó qua đảo Don Sao là coi như bạn đã đi thêm 1 nước khác rồi heng. Tuy vậy, về mặt giấy tờ, do không dùng tới Passport nên nó không phải là lối ra xuất cảnh và nhập cảnh chính thức vào Thái Lan.
Vậy nếu bạn nào muốn đi nhiều nước để đóng mộc vô passport nhằm tích lũy lịch sử đi du lịch, đặng dễ xin học bổng du học hay gì gì đó thì phải nghiên cứu trước chỗ đi nhé. Vì có nhiều trường hợp đi du lịch nước khác cũng không có đóng mộc vô passport. Ví dụ đảo Don Sao (Lào) là một ví dụ nè. Hoặc đi Trung Quốc, qua Hà Khẩu thì chỉ cần xin giấy thông hành (có giá trị 24h). Có giấy này rồi thì qua Trung Quốc chơi rồi tối về. Hôm sau đi nữa thì xin giấy nữa, lại qua chơi rồi về.
Quy định khi lên đảo Don Sao?
- Bạn phải để lại hộ chiếu của mình bên Thái Lan trước khi xuống tàu/ thuyền (nếu đi tour của mấy tour đi thuyền trên sông Mekong ở đây).
- Bạn phải nộp một số tiền để mua vé đi, hiểu nôm na nó cũng bao gồm cả phí để cấp giấy phép lên đảo luôn.
- Bạn chỉ được phép ở lại trên đảo trong mức thời gian quy định (30 – 60 phút) chứ không được ở lâu hơn.
Đảo Don Sao (Lào) có gì hay?
Đầu tiên khi tàu vừa cập bến, bạn sẽ đi qua một cầu tàu và đi lên đảo. Vừa bước chân lên là bạn sẽ gặp ngay một cái chợ. Chợ không lớn, không nhỏ, khá đơn sơ và chủ yếu là bán đồ fake. Đó là túi xách giả, ví da giả, thắt lưng, hàng hà sa đồ điện tử, quần alibaba, khăn choàng… Và cuối cùng là rất nhiều rượu rắn. Đặc biệt là rắn hổ mang.
À không chỉ là rượu rắn mà còn có rượu ngâm nhân sâm, rượu ngâm bọ cạp, cobra whisky. Rượu whisky ở Đông Nam Á được sử dụng như là một loại thuốc kích thích tình dục và cũng được sử dụng trong y tế như điều trị đau lưng và đau cơ. Dạo qua các quầy thì họ còn rót mẫu sẵn cho khách thử luôn.
Như nãy mình có nói là ở đây cũng bán rất nhiều đồ điện tử. Đồ thì có điện thoại, sạc, tai nghe, gậy tự sướng, máy ảnh, loa, v.v… mà mặt hàng mình thấy giống y chang mấy cái chợ ở Bangkok hoặc chợ đêm Chiang Mai Night Bazaar các cậu ạ. Giá thì mỗi nơi 1 giá, huhu.
Cho nên là rút kinh nghiệm muốn mua gì đều phải trả giá mạnh tay vào nha. Nhớ bữa đó mình hỏi cái gậy tự sướng, ba nơi bán giá 3 kiểu, trên trời không hà.
Dạo quanh một vòng thì thấy cơ bản Đảo Don Sao chỉ có vậy. Nó vốn là một hòn đảo nhỏ với một ngôi làng nhỏ có dân số rất ít và một ngôi chợ. Chợ thì được định sẵn là để bán sản phẩm cho khách du lịch (như đã mô tả ở trên).
Tuy vậy, có đi lên đây, bạn sẽ cũng có một cái nhìn chút chút về văn hóa Lào. Ngoài ra, từ xa chúng ta có thể thấy những khu rừng là một phần của lục địa Lào. trong làng thì chỉ có lưa thưa vài ngôi nhà.
Trên đảo dùng tiền đô là đồng tiền chính để mua bán, tất nhiên là hình như vẫn xài được tiền bath. Nếu đổi baht Thái, đối với bạn nào muốn đổi tiền thì nên đổi từ trước chứ đổi ở đây tỉ giá sẽ rất là thiệt thòi so với ở Bangkok hoặc Chiang Mai.
Đi càng xa về mấy chỗ heo hút thì mình rút ra được là, ở Thái Lan, nếu bạn đi càng xa khu vực trung tâm thì đổi tiền càng khó khăn và tỉ giá càng cao. Ví dụ đổi ở Việt Nam sẽ tốt hơn ở Bangkok, đổi ở Bangkok thì tốt hơn Chiang Mai. Ở Chiang Mai sẽ tốt hơn ở Pai hoặc Don Sao.
Sau khi tham quan xong theo giờ quy định, mọi người xuống thuyền và quay trở về phía Thái Lan, nhận lại hộ chiếu của mình. Chuyến đi dọc sông Mekong, qua nước Lào và hồi tưởng lại những hình ảnh đấu đá của các băng đảng mafia buôn thuốc phiện cuối cùng đã kết thúc. Thuyền cập bến nhưng trong lòng người đi vẫn bâng khuâng như nuối tiếc một chút gì.
Đi đảo Don Sao như thế nào?
Để đi đảo Don Sao thì bạn đến khu vực Tam Giác Vàng (thuộc địa phận tỉnh Chiang Rai, Thái Lan). Sau khi đến đây bạn hỏi tour đi thuyền vượt sông Mekong qua Đảo Don Sao là có. Một cách hay hơn để tiện di chuyển (nếu bạn từ Chiang Mai) là bạn book luôn tour day trip Tour Chiang Rai 1 ngày: Wat Rong Khun – Karen Long Neck.
Tour này sẽ đưa bạn đến Tam Giác Vàng. Tại đây nếu bạn muốn đi thuyền trên sông Mekong và qua đảo Don Sao thì book thêm trực tiếp tại chỗ, hoặc bạn book ngay từ khi còn ở nhà cũng được. Cách của mình khi đi là book luôn option này khi còn ở nhà nhé mọi người.
Chúc cạ nhà có 1 chuyến đi thú vị hen.
Xem thêm các bài viết khác:
- Một ngày ở Chiang Mai – xứ sở của những chùa tháp tuyệt đẹp
- Review tàu hỏa từ Bangkok đi Chiang Mai: tàu đêm Thai Railways #51
- Kinh nghiệm du lịch tự túc Chiang Mai, Thái Lan đầy đủ nhất
- Kinh nghiệm thuê xe máy ở Chiang Mai, Thái Lan
- Amazing Thailand: Tam Giác Vàng huyền thoại – biên giới Lào – Thái – Myanmar
- Gợi ý lịch trình 10 ngày đi hết phía Bắc Thái Lan từ Bangkok
- Khantoke – bữa ăn tối kiểu hoàng gia của vương quốc Lana ở Chiang Mai (Thái Lan)
- Du lịch Chiang Mai tự túc: Nên đi Doi Suthep hay Doi Inthanon?
- Phương tiện di chuyển từ Bangkok đến Pattaya tiết kiệm nhất
- Gợi ý lịch trình 10 ngày đi hết phía Bắc Thái Lan từ Bangkok
- Tại sao voi trở thành biểu tượng quốc gia của Thái Lan?
- Kinh nghiệm du lịch Hua Hin Thái Lan từ vợ chồng Nguyễn Linh
- Lễ hội Loy Krathong là gì? Loy Krathong năm 2018 diễn ra vào ngày nào?
- Ẩm thực Thái Lan: Ngất ngây với món Som Tam siêu cay
- Siam Niramit – show diễn mô tả toàn bộ lịch sử và tinh hoa của người Thái
No Comments