Menu
Share with Lien

“Mẹ, thơm một cái” – Cửu Bả Đao: cảm hứng cho những ai muốn theo nghiệp viết lách

Tôi vốn dĩ tin rằng mỗi cuốn sách đến với mình đều có một lí do. Và bằng cái duyên nào đấy, nó sẽ đến đúng thời điểm.

Mùng 5 Tết, tạm biệt mẹ sau 45 phút chạy xe trong cái giá lạnh của Tây Nguyên lúc 5 giờ sáng để lên chuyến xe khách đi Sài Gòn. Vừa đặt chân đến thành phố, tôi đã đến Đường Sách ngay. Trong thâm tâm tôi lúc đó chỉ muốn bay ra đây kiếm một cuốn sách khác mà tôi đinh ninh từ trên suốt quãng đường ngồi ô tô.
Nhưng rồi tôi nhìn thấy nó.

Tất nhiên tôi đã đọc review về “Mẹ! thơm một cái” trên Tiki và xếp nó vào “must – read – list”. Nhưng vì nhiều lí do, tôi đã quên bẵng đi mất. Quên hoàn toàn. Và rồi, tôi đã “cầm lên được nhưng không bỏ xuống được”.

Ngay từ đầu, lời đề trên bìa sách đã làm tôi ấn tượng!
Làm thế nào mà một người có thể viết 14 cuốn sách trong vòng 14 tháng?
Làm thế nào mà mỗi tháng anh ta có thể viết ra một cuốn sách?
Làm thế nào?
Làm thế nào?

Và rồi tôi đọc lại:
“Năm 2004, mẹ của Cửu Bả Đao mắc bệnh ung thư máu, chi phí điều trị cực kì tốn kém. Cửu Bả Đao thỏa thuận với nhà xuất bản: “Bắt đầu từ bây giờ, tôi viết xong cuốn nào sẽ xuất bản luôn trong tháng tiếp theo, sau đó chuyển ngay cho tôi tờ ngân phiếu có thể hoán đổi thành tiền mặt trong ngày”. Từ đó, anh vừa đồng hành chăm sóc mẹ, vừa viết 5000 – 8000 chữ mỗi ngày, cho ra 14 cuốn sách sau 14 tháng. Cuốn thứ 14 chính là “mẹ, thơm một cái”.

“Mẹ, thơm một cái”, là cuốn sách kể lại toàn bộ quá trình Cửu Bả Đao – một nhà văn trẻ nổi tiếng Trung Quốc khi ấy mới 28 tuổi và còn đang hoàn thành chương trình học – chăm sóc mẹ khi mẹ anh bị bệnh ung thư. Cửu Bả Đao được độc giả/ khán giả Việt Nam biết đến nhiều nhất qua bộ phim You Are The Apple In My Eyes do anh là tác giả sách kiêm đạo diễn.

Như vậy là anh viết cuốn tự truyện khi ở ngay sát bên cạnh mẹ, mỗi ngày.
Như vậy là anh viết cuốn tự truyện trong tình yêu thương vô bờ bến.
Nhưng như vậy cũng có nghĩa là anh viết trong áp lực.
Áp lực doanh số.
Áp lực kiếm tiền để chữa bệnh cho mẹ.
Quả thật đối với một người đang chập chững quay trở lại với viết lách như tôi mà nói, nếu tôi là anh, đây là một việc không tưởng.

Tôi nghĩ đến mình.
Thỉnh thoảng tôi bị stress vì ngồi hàng giờ không tập trung được để cho ra một câu chữ. Thỉnh thoảng tôi stress vì không cách nào sắp xếp được thời gian cho việc viết lách vì có quá nhiều việc phải làm. Nhưng rồi tôi nhận ra, khi con người ta bị dồn vào đường cùng và “they have no choice” – thì họ buộc phải chiến đấu.

“Tính cách của tôi luôn có khía cạnh rất lãng mạn, câu trả lời rất rõ ràng. Tôi sẽ viết điên cuồng, với sức mạnh gõ nát bàn phím, trong năm năm hoàn thành ước mơ mà một người phải năm mươi năm mới hoàn thành được”.

Cửu Bả Đao nói vậy. Và anh viết, mọi lúc, miễn là đang được ngồi. Anh viết mọi nơi, tiếng lách cách luôn vang lên trên đầu gối. Tôi quay lại và tự hỏi bản thân mình đang làm gì.

Mi thấy không? Muốn giỏi một điều gì, hãy biến nó thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mi! Hãy cứ viết và viết. Hãy đầu tư cho nó 10.000 giờ. Hãy duy trì một thói quen!

Trong bài viết này tôi sẽ không kể lại các chi tiết trong cuốn sách. Tôi không nói về tình cảm gắn bó thân thiết giữa anh với mẹ anh, giữa anh và các anh em anh. Tôi cũng không kể chuyện mẹ anh đã có quãng thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư một cách can đảm như thế nào. Cũng sẽ không nói bà là một nữ anh hùng của nhà họ Kha ra sao. Tôi sẽ chỉ nói về việc viết của Cửu Bả Đao.

Một trong những điều góp phần tạo nên một Cửu Bả Đao với sức viết đáng kinh ngạc như hiện tại, cũng đã được tiết lộ trong cuốn sách. Hóa ra anh nhờ ơn cách giáo dục của cha mẹ rất nhiều. Ba anh em anh ngay từ nhỏ mỗi lần luyện viết văn là đều phải đưa bài cho cha sửa, một cách nghiêm khắc. Rồi sau đó mẹ anh lại gửi cả 3 đi học thêm lớp viết lách ở tòa nhật báo. Như vậy, việc viết lách đối với anh mà nói, ngoài năng khiếu và sự đam mê, đã được đào luyện thói quen viết từ rất nhỏ.

Hiện giờ tôi đang luyện viết mỗi ngày. Nhiều khi tôi thấy những cái mình viết ra, đọc xong chỉ muốn vứt đi. Nhưng vẫn phải tiếp tục viết.
Đó là điều hiển nhiên.
Duy trì thói quen viết lách, chắc chắn là tốt. Hai mươi mấy năm nay, những thứ tôi viết quá là ít. Vậy thì để rút ngắn khoảng cách cho nên bột nên hồ, chỉ có một cách là nỗ lực không ngừng.

Tôi nhớ Haruki Murakami trong cuốn “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” cũng nói về việc viết văn và việc chạy bộ của ông, hệt vậy. Những việc tưởng như nhỏ nhặt mỗi ngày này, cần một sự kiên trì lớn. Cũng như kết quả của những việc này không thể thu lại trong 1, 2 năm ngắn ngủi mà là rất nhiều năm. Như một người chạy siêu marathon, không nghiễm nhiên họ có thể xách giày ra đường là chạy được. Họ cần rèn luyện một cơ số năm. Vâng, hàng năm! Nhiệm vụ của tôi bây giờ là làm sao để tôi yêu việc viết lách và làm quen, và sống chung với nó…

Tôi đi quá xa với việc review sách rồi nhỉ. Quay trở lại với Cửu Bả Đao, thì anh là một người có khiếu hài hước không tưởng. Kĩ năng chém gió của anh là vô hạn, thần sầu. Bởi nhờ điều đó đã giúp anh rất nhiều trong việc sáng tạo các tác phẩm kinh điển của mình. Trong một vài chi tiết của “Mẹ, thơm một cái” bạn sẽ gặp một Cửu Bả Đao “thần kinh”, “tào lao” không tưởng. Đó cũng chính là tính cách của anh, luôn hài hước và nhạy cảm. Và cũng nhờ óc tưởng tượng vô lượng ấy, mà anh trở thành một chiến binh bất khuất.

“Những giấc mơ nếu nói ra sẽ bị chê cười, thì mới có giá trị theo đuổi, dẫu có ngã xuống, tư thế cũng rất can trường”.

Bá Đao, sau tất cả mọi biến động gia đình, đã chọn chia tay bạn gái vì cả 2 đều lựa chọn muốn gần quê nhà, gần cha mẹ. Gia đình chính là gốc rễ, tình yêu thương của mẹ chính là gốc rễ, đó là bệ đỡ vững chắc cho anh tung cánh.

Em có thể có cả gốc rễ, sau đó đồng thời cũng có đôi cánh. 

Sau khi rời khỏi nhà, vào lại Sài Gòn, tôi mới thấy khoảng thời gian ở nhà ấy quý báu biết bao. Vì khi ấy tôi có quyền gạt bỏ tất cả mọi sự, buông bỏ mọi sự quan tâm, không check điện thoại hay bận tâm vì điều gì. Khi ấy tôi có thể toàn tâm toàn ý với việc viết.
Và tôi cũng có câu trả lời cho chính mình.

“Đôi cánh của tôi đâu? Rốt cuộc đâu là đôi cánh của tôi?

…Đúng vậy, chính là điều đó, nỗ lực chính là đôi cánh. Chưa bay lên được thì cố gắng thêm chút nữa, mọc đôi cánh lớn hơn nữa, chờ đợi những trận gió lớn hơn trong tiếng vỗ tay. Bao giờ cũng là như vậy”.

Nỗ lực chính là đôi cánh.

Cảm ơn anh đã đến với tôi đúng lúc, Cửu Bả Đao.

_________

BẠN CÓ THỂ ĐẶT MUA SÁCH TẠI ĐÂY để ủng hộ mình nhé. Nó chứa liên kết affiliate giúp mình nhận được một khoản hoa hồng nhỏ nếu bạn mua qua kênh của mình, bạn không phải trả thêm chi phí gì mà thỉnh thoảng còn có một số mã giảm giá. Điều này giúp ủng hộ kênh và cho phép mình tiếp tục sản xuất những bài viết tương tự. 
Cám ơn các bạn.

Xem thêm các bài viết khác:

Review sách “Born To Run” – sinh ra để chạy
Review sách: Cuộc đời chín ngày – Thierry Cohen
Tản mạn: phiêu diêu Phượng Hoàng Cổ Trấn
Tản mạn từ một chuyến về Tây Nguyên: hoa cà phê thơm lắm em ơi…Giọng không hay có nên làm podcast không?
Tôi đã trở thành một Voice Talent như thế nào?
Cách để tăng từ vựng tiếng Anh mà “không phải học”!

No Comments

    Leave a Reply