Tôi là một đứa thích đi du lịch để trải nghiệm các nền văn hóa và tìm hiểu cuộc sống người dân bản địa. Tuy vậy trước đây tôi hay mắc cái bệnh là đọc xong một cuốn sách, xem xong một bộ phim, rồi mê tít thò lò cái chỗ đó nhưng không lập kế hoạch đi. Cuối cùng là cứ để giấc mơ bỏ ngõ năm này qua năm khác.
Nhưng giờ tôi bắt đầu cảm thấy tuổi già đang kéo đến, aha. Và nhỡ đâu tôi kết hôn trong khi đi chưa được bao nhiêu chỗ trong cái wish list của mình thì chuối lắm. Tôi có chơi với mấy anh chị lớn tuổi hơn nhiều và biết cái cảm giác khi đã có gia đình hay khi nhiều tuổi lên một chút thì”lười” thế nào. Thế nên mình phải mần cho hết một vòng những chỗ cần đến ngay từ bây giờ. Kiểu còn trẻ, chân còn khỏe, chưa vướng bận, không đi bây giờ thì bao giờ.

Vịnh Vĩnh Hy, tháng 8/2016
Nhiều người đi nhiều rồi thì bây giờ họ không cần lập kế hoạch nữa, đụng đâu đi đó. Cơ mà với những người mới đi hoăc chuẩn bị đi thì vẫn nên lên plan cụ thể.
Lập kế hoạch một chuyến đi dài có thể là một nhiệm vụ khó. Bắt đầu từ đâu? Bước đầu là gì? Bước hai là gì? Bước ba là gì? Hoàn toàn mù mờ đúng không? Tôi đã lên kế hoạch cho các chuyến đi của mình và bạn bè nên giờ nghĩ cũng nên note lại. Tóm lại những bước cần làm là thế này:
Bước 1 – Quyết định địa điểm bạn muốn đến
Việc đầu tiên là bạn cần xác định nơi bạn yêu thích nhất và muốn đến. Một cái tên cụ thể nhé. Rất nhiều người mơ hồ khi nói mình sẽ đi du lịch, cho nên từ lúc nói cho đến lúc đi là cả một khoảng quá dài. Chọn một điểm đến cụ thể sẽ mang lại cho bạn một mục tiêu rõ ràng. Qua đó bạn cũng dễ dàng lập plan cụ thể hơn.
Nếu bạn mới lần đầu đi du lịch nước ngoài thì nên chọn những điểm dễ đi như Campuchia, Thái Lan… Đây là 2 nước gần ngay Việt Nam nhưng có nền văn hóa độc đáo, cảnh đẹp, giá cả rẻ, phương tiện đi lại dễ dàng, không cần xin visa.

Tại Wat Do Suthep nổi tiếng
Nếu bạn đã đi 2 nước này rồi thì cứ những nước còn lại của ASEAN mà chọn nhé. Bởi vì đơn giản là các nước này gần, giá cả rẻ, và được miễn visa. Muốn đi biển thì có biển đảo như Bali của Indo, các đảo ở Phlippines. Các ngọn núi lửa thì 2 nước này cũng có. Văn hóa độc đáo thì Myanmar. Yên bình thì có Lào. Nơi phát triển hiện đại thì có Singapore, Malaysia…
Ngoài ra một số nước khác như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… cũng là những lựa chọn thú vị nếu như bạn xin được visa.
Bước 2 – Quyết định thời gian của chuyến đi là bao lâu
Đây là điều quan trọng thứ 2. Đơn giản vì chuyến mấy ngày thì sẽ quyết định chi phí bạn cần chi tiêu và bao nhiêu bạn cần tiết kiệm.
Bước 3 – Nghiên cứu chi phí
Giờ thì bạn biết mình sẽ đi đâu và bao lâu rồi hen. Nhưng để biết được chi phí bạn cần là bao nhiêu tiền thì bạn phải nghiên cứu mức chi tiêu trong điểm đến.
Bạn muốn đi kiểu du lịch bụi hay bạn muốn đi kiểu sang chảnh, hay đi kiểu trung bình? Nếu ở khách sạn thì giá bao nhiêu? còn nếu chọn ở dorm (kí túc xá giường tầng) thì sao? Ăn uống? Đi lại? Các điểm tham quan? Như vậy, bạn sẽ ước lượng được số tiền bạn cần cho chuyến đi.
Ví dụ đi Thái Lan 10 ngày. Mỗi ngày là xyz USD thì số tiền bạn cần là 10xyz USD.

Hồ Trị An trong một buổi hoàng hôn vào tháng 4/2016
Bước 4 – Tiết kiệm tiền
Rồi, bây giờ thì tiết kiệm thôi. Viết ra tất cả các chi phí hiện tại của bạn và xem cái gì không cần thiết, cái gì bạn có thể cắt giảm.
- Cắt giảm hoặc bỏ luôn việc uống Starbuck, uống nước suối, ăn hộp sữa chua là được rồi. Cái này không phải là keo kiệt mà là thói quen tốt cho sức khỏe nhé. Bạn có biết dân chơi thể thao chỉ toàn uống nước suối không :))
- Tự nấu ăn – Khi bạn tự nấu ăn thì bạn phát hiện ra là bữa ăn của bạn chất lượng hơn mà lại có thể nấu một lần, ăn 2 bữa. Ví dụ một lần bạn nấu mất 40k, nhưng nếu đi ăn ngoài đã mất 60k cho 2 bữa mà chưa chắc sạch và tốt cho sức khỏe. Nếu nhà có vài 3 người thì khi nấu ăn, chia chi phí đầu người sẽ thấy lại càng tiết kiệm.
- Nếu có xe đạp, có thể tranh thủ đi xe đạp đi làm 2 lần/ tuần, tiết kiệm xăng và tiền gửi xe, lại tốt cho sức khỏe.
- Giảm bớt mua sắm quần áo, mỹ phẩm, giày dép… những thứ chưa thực sự cần thiết.
- Bớt bớt hẹn hò, các cuộc cà phê (Cái này thì bạn phải đánh đổi thôi).
- Nuôi một con heo, khi bạn làm được một việc tốt như chạy được 5km, đọc được 1 cuốn sách hay đạp xe được một ngày thì bỏ một số tiền cụ thể vào heo, coi như đó là “phần thưởng” của mình cho chuyến đi sắp tới.
Bước 5 – sử dụng loại thẻ ATM không tốn phí
Bạn có thể chuyển qua xài thẻ Timo của ngân hàng VPBank nhé. Đây là loại thẻ hiện không trừ phí gì của bạn hết. Chuyển tiền cùng ngân hàng hay khác ngân hàng đều không mất phí. Ngoài ra để làm thẻ tín dụng từ Timo cũng rất dễ.
Cách 1 : Có số dư trung bình trong tài khoản từ 2 triệu đồng trở lên trong 3 tháng liên tiếp gần ngày bạn đăng ký mở thẻ tín dụng
Cách 2 :
- Sở hữu sổ tiết kiệm có thời hạn từ 6 tháng, số dư tối thiểu là 20 triệu và duy trì liên tiếp trong 3 tháng gần ngày đăng ký phát hành thẻ
- Tại thời điểm đăng ký mở thẻ đồng thời mở mới một sổ tiết kiệm có thời hạn từ 6 tháng, số dư từ 20 triệu và cam kết không tất toán trước kỳ hạn.
Cách 3 : Xét duyệt thẻ tín dụng của ngân hàng khác.
Tiện lợi khi xài thẻ tín dụng Timo MasterCard là :
- Miễn phí (thẻ) thường niên năm đầu.
- Miễn phí chuyển đổi ngoại tệ, miễn phí phí xử lý giao dịch quốc tế.
- Tiết kiệm khoảng 4% chi phí khi thực hiện giao dịch ở nước ngoài.
Bước 6 – Tập trung vào mục tiêu, nuôi dưỡng cảm hứng với điểm đến
Tiếp tục nuôi dưỡng mong muốn đi du lịch đế vùng đất mình đã chọn. Xem phim về vùng đất đó, đọc sách về vùng đất đó (đọc Lonely planet chẳng hạn), tìm hiểu lịch sử, phong tục tập quán địa phương. Viết ra danh sách những việc sẽ làm khi đi.
Chuẩn bị máy ảnh, thẻ nhớ. Đi các event về văn hóa của nước đó. Ví dụ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc rất hay có những event như vậy. Ngoài ra có thể tìm thêm bạn đồng hành để truyền cảm hứng cho nhau.
Bước 7 – Đặt vé máy bay
Sau khi có thẻ tín dụng, bạn có thể đặt vé máy bay ở một số nơi như traveloka (có liên kết với ngân hàng HSBC) hoặc một số ngân hàng khác nên sẽ có giảm giá. Ngoài ra bạn cũng có thể săn vé máy bay giá rẻ của Vietjet.
Cách 2 là bạn có thể lên các trang web so sánh giá vé máy bay như Momondo/ Skyscanner/ atadi để tự săn vé.
Cách 3 là nhờ phòng vé/ đại lí book cho. Có lúc phòng vé/ đại lí du lịch book sẽ có giá rẻ hơn đó nhé (vì nhiều nguyên nhân, sẽ giải thích sau). Bạn có thể lên web của Trippy.vn, tự săn vé hoặc chat với nhân viên chăm sóc khách hàng để được hướng dẫn.

Trên bầu trời Chiang Mai
Lưu ý: Có một nguyên tắc là đặt vé càng sớm, giá vé càng rẻ. Do đó bạn nên đặt trước từ 4 – 6 tháng là tốt nhất. Hoặc là canh me săn vé 0đ của Vietjet, vé rẻ của AirAsia… Ngoài ra tầm tháng 9 hàng năm là thời điểm một loạt các hãng hàng không đồng loạt mở bán vé giá rẻ, vé máy bay Tết chiều ngược nên sẽ có những chiếc vé máy bay cực rẻ.
Bước 8 – Đặt phòng khách sạn
Chắc hẳn giờ này bạn đã biết là sẽ ở dorm hay khách sạn hạng sang rồi hen. Bây giờ thì chọn khu vực, chọn phòng và book phòng thôi. Nên nhớ làm việc này sớm vì có thể để cận ngày đi thì căn phòng bạn thích đã không còn chỗ trống.
Các trang web đặt phòng tiêu biểu có thể tham khảo:
- Hostelworld
- Agoda
- Booking.com
- Trippy.vn
- …
Bạn cũng có thể cân nhắc hình thức Couchsurfing và đăng kí làm thành viên, trở thành một host trước khi làm khách. Ngoài ra bạn có thể xem xét các trang web cho thuê căn hộ như Wimdu hoặc Airbnb.
Bước 9 – Lên plan cụ thể về điểm tham quan, chi phí, việc sẽ làm
Đưa ra các hoạt động chính mà bạn muốn trải nghiệm, chi phí bao nhiêu. Viết cụ thể ra, càng chi tiết càng tốt. nếu lố ngân sách thì điều chỉnh lại. Nếu còn dư thì có thể book thêm điểm tham quan hoặc tour du lịch một ngày.

Tại làng Bích Họa Tam Thanh (Quảng Nam)
Bước 10 – Bán đồ đạc hoặc gửi đồ, trả nhà nếu đi lâu
Nếu bạn định đi du lịch dài hạn, bạn có thể bán bớt đồ đạc sinh hoạt để kiếm thêm tiền cho chuyến đi của bạn. Bạn nên bán dần từ 2 tháng trước lúc đi. Nói chung nếu bạn đi ngắn ngày thì không cần. Nhưng nếu bạn đi xa lâu dài nhưng muốn giữ đồ đạc thì có thể đem đi gửi bạn bè, người thân hoặc đóng gói bằng cách nào đó.

Tại sân bay Don Muang, tháng 10/2017
Một kỉ niệm của tôi lúc chuẩn bị đi Thái 10 ngày là trùng vào thời hạn gia hạn hợp đồng nhà ở. Mặc dù chưa tìm được nhà mới nhưng tôi đem… trả nhà luôn. Đồ đạc đóng gói đem gởi. Sau khi về Việt Nam thì tôi ở dorm một thời gian cho tới khi tìm được nhà mới. Đây cũng là một trải nghiệm rất thú vị khi bạn ở dorm ngay trong thành phố của bạn, có tụi Tây đi ra đi vào hàng ngày. Cảm giác cứ như… mình đang ở một nơi xa.
Bước 11 – lập danh sách những thứ sẽ cho vào balo
Viết ra một danh sách các món đồ thiết yếu để mang theo. Tiết giảm đến mức có thể. Quần áo thì bạn có thể chỉ cần 3 bộ là đủ cho một hành trình dài. Hoặc tùy vào thời tiết nơi đó nhưng vẫn là càng ít càng tốt. Nếu mang nhiều thì tới lúc bạn sẽ khóc vì cái balo kềnh càng đó. Bạn vẫn có thể mua thêm chúng trên đường đi nếu thực sự cần.
Nhớ note các thứ: Pin, sạc điện thoại, máy ảnh, bản photo các giấy tờ cần thiết, một cái khăn hoặc nón, kem chống nắng, một đôi giày thể thao và một đôi dép lào…

Nhìn vầy chứ dưới chân là 1 đôi dép lào các mie ạ
Bước 12 – Mua bảo hiểm du lịch
Đây là một bước vô cùng quan trọng và không thể thiếu bất kể bạn đi nước nào, ở đâu, trong nước hay ngoài nước, ngắn hay dài ngày.
Bảo hiểm du lịch không phải chỉ để đề phòng sức khỏe bạn có vấn đề mà nó còn rất hữu ích trong trường hợp bạn bị mất vali, trễ máy bay, bị mất đồ đạc, bị tai nạn, gây tai nạn cho người khác… vân vân và mây mây. Do đó bảo hiểm du lịch sẽ giúp bạn giảm thiểu tới mức có thể những rủi ro về mặt tài chính.
Ngoài ra mua bảo hiểm rất là rẻ nhé. Bảo hiểm quốc tế thì bạn có thể mua của bên Bảo Hiểm Quân Đội. Tôi đã mua bảo hiểm 10 ngày đi Thái với giá chỉ 45k. Tức 4.5k/ ngày. (nhờ đứa em làm điều hành tour mua giùm). Ngoài ra nếu search trên mạng thì có bảo hiểm Liberty giá khoảng mấy trăm ngàn. Túm lại tiền bảo hiểm du lịch là rất rẻ nên đừng tiếc vài đồng mà rồi có chuyện gì thì khóc như một dòng sông nhé.
Trên đây là tất cả những kinh nghiệm của tôi để chuẩn bị cho một chuyến đi tiếp theo. Hi vọng những chia sẻ này sẽ giúp ích cho các bạn nào đang muốn thực hiện một hay nhiều chuyến du lịch tự túc mà chưa biết bắt đầu thế nào nhé. Chúc các bạn có chuyến đi tuyệt vời. Happy New Year 🙂
No Comments