Menu

Tản mạn từ một chuyến về Tây Nguyên: hoa cà phê thơm lắm em ơi…

Tôi không sinh ra ở Tây Nguyên nhưng cả tuổi thơ của tôi lại gắn bó ở đấy. Năm học lớp 2, cả nhà tôi chuyển vào từ miền Trung theo diện kinh tế mới. Hồi đó, nhà tôi là một căn nhà ở trong rẫy, xung quanh bao bọc bởi những rẫy cà phê xanh ngăn ngắt, những rẫy mì chen kín lối đi, những vườn điều cằn cỗi bỏ hoang.

Tuổi thơ tôi lớn lên theo những cây cà phê. Đó là những ngày tháng 8 trời mưa, chúng tôi mặc áo mưa đi bỏ phân cà phê với mẹ. Những ngày tháng 10 hanh hao, chị em tôi dắt nhau đi nhặt cành cà phê về làm củi. Vào mùa cà phê, chúng tôi theo mẹ ra hái cà. Trong khi mẹ giăng bạt hái, bố vác bao cà phê thì mấy chị em được phân công nhiệm vụ mót những hạt cà phê chín vương vãi trong mỗi hố cây.

Tôi thích nhất là vào mùa tưới cà phê, khoảng vào tháng 12, tháng 1 âm lịch. Lúc này Tây Nguyên đang độ vào mùa khô và trời buổi sáng rất lạnh. Chỉ sau vài ngày tưới xong, cả vườn đã nở hoa trắng xóa và vương một mùi thơm thanh thanh, ngòn ngọt.

Sáng sớm thức dậy, việc đầu tiên của tôi là chạy ra vườn cà hít lấy hít để cái vị thơm ngọt của loài hoa trắng tinh khiết ấy. Tôi biết nó thơm ngọt vì lũ ong suốt ngày bu lấy bông hoa trắng không rời. Mẹ bảo, hoa cà phê đẹp như bông tuyết. Và màu hoa ấy, mùi thơm ấy đã theo tôi vào tận từng giấc ngủ của tuổi thơ.

Tôi có một cái tật nhỏ là khi được ngắm nhìn một khung cảnh hay được trải nghiệm một điều gì quá đẹp, là tôi nghĩ ngay đến người thân yêu nhất lúc đó. Tôi vui đến bật khóc vì được ở vào khoảnh khắc ấy, và tôi muốn người thân yêu của tôi cũng được trải nghiệm giống mình. Những ngày đó, tôi đang ở cạnh ba mẹ, các em và ông bà nội, nên người ở xa nhất lúc đó là ông ngoại tôi. Tôi ước ao có một ngày ông vào thăm gia đình tôi. Tôi sẽ dắt ông đi xem vườn cà phê. Tôi sẽ gọi ông dậy từ lúc sáng sớm tinh mơ để cho kịp giờ hoa vừa nở. Tôi sẽ chỉ ông cách đi trên bờ hố cà phê sao cho không bị té và sao để không vương vào hoa để hoa rụng mất.

Cho đến nay, mỗi lần ngửi thấy hương hoa cà phê là tôi lại nhớ ông ngoại. Ông đã mất vì căn bệnh suy tim năm đó, trước khi kịp vào thăm chúng tôi.

Ngày cuối năm, khi được dịp về thăm nhà, đứng giữa rẫy cà phê, mọi kí ức trong tuổi thơ tôi lại được dịp dội về cùng một lúc.

Tôi nhớ những ngày Tây Nguyên vào mùa mưa, cây cỏ mọc um tùm, tươi tốt rất đẹp mắt. Khi trời ráo nước thì chúng tôi bắt đầu dắt đàn bò lùa lên núi cho ăn cỏ tranh. Nói là đàn bò, thực chất nhà tôi có nhiều nhất chỉ tầm 3 hoặc 4 con. Nhiêu đó là đủ cho 3 chị em tôi chăn dắt. Công việc này đối với chúng tôi mà nói khá là buồn tẻ, do đó mỗi lúc đi chăn bò, chúng tôi mỗi đứa lại xách theo vài cuốn sách hoặc truyện để đọc chơi.

Bởi vì hơi chán, nên tôi tìm cách “thưởng thức” cảnh vật trước mắt, vận dụng hết trí tưởng tượng vào những trò chơi “đồ hàng” ngay bìa rẫy cà phê. Cũng có khi, tôi mạnh dạn dắt bò đi lên đồi, khám phá những cung đường mới. Có điều, sợ lạc nên mỗi ngày tôi chỉ đi xa thêm một chút để khỏi quên đường về.

Một hồ nhỏ tự nhiên ở xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, Tỉnh Kon Tum

Tôi thích mê mẩn những con đường đất ghồ ghề, ngoằn ngoèo. Có khi là những hồ nước trong vắt tĩnh lặng nằm khuất giữa những bụi cỏ dại bao quanh, cao ngất ngưởng. Tôi cứ vậy, một mình lớn lên trong thế giới của riêng tôi. Tôi trở thành một đứa trẻ ít nói và thích ngắm nhìn nhiều hơn. Những ngày đó, tôi ước giá mà được đi như vậy mãi cả ngày, chỉ phải lùa bò về nhà lúc trời tối.

Sau này, khi lớn lên và đi học, rồi đi làm việc ở thành phố, tôi nhớ cái màu xanh ngắt của cây cối núi rừng Tây Nguyên đến quay quắt. Mỗi lần xe khách về đến địa phận Kon Tum quen thuộc là tim tôi lại nhảy lùng bùng. Có lẽ vì thèm rừng, nên có một thời gian, tôi không chịu nổi, cuối tuần nào cũng phải đi trekking núi Bà Đen, núi Dinh hay núi Thị Vải (gần Sài Gòn) mới chịu được. Lắm lúc tôi tự nghĩ, mình như cái cây mọc hoang, có bao nhiêu muộn phiền chất chồng, chỉ cần “ngửi” được mùi núi là tôi “cân” được hết.

Thác Pa Sỹ – Măng Đen (Kon Tum) – nơi được vinh danh là Đà Lạt 2 của Tây Nguyên.

 Thực ra Tây Nguyên không chỉ đẹp với tôi – đứa con đã lớn lên ở mảnh đất đại ngàn. Tôi nghĩ với bất cứ ai có dịp đặt chân đến Tây Nguyên, họ đều dành cho nó thứ tình cảm này.
Một khi đã đi qua con đường đó, tim đã để lại ở đó cùng một phần kí ức tuyệt đẹp. Quốc lộ 14 xuyên Tây Nguyên, từ Sài Gòn đi Bình Phước, băng qua Đăk Nông – Đăk Lăk – Gia Lai – Kon Tum là cả dải hoa quỳ nở vàng rực trên nền đất đỏ bazan. Trên cung đường cong vút xen lẫn nhau là những đoạn đồi thông lá kim hay rừng cao su khua lá xào xạc. Đang đi, bạn chỉ muốn dừng xe lại để nhìn ngắm, để vẫy vùng, để thu vào tầm mắt cái đẹp giao thoa của đất trời.

Tây Nguyên đại ngàn với những cánh rừng tít tắt, những nương chè xanh, bản làng rực rỡ trong ánh chiều tà có tia rẻ quạt. Tây Nguyên bí ẩn với những mái nhà Rông cong vút, những ngôi nhà mồ âm u tượng hình bằng gỗ. Tây Nguyên với ly cà phê đen đặc, sóng sánh, thơm lừng được chắt từng giọt, từng giọt chậm rãi. Tây Nguyên dang rộng vòng tay chào đón tất cả mọi người con đến và ở lại. Tây Nguyên mang đến cho ta đủ mọi cung bậc cảm xúc thấm đẫm, đầy lưu luyến: “khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”.

Vài nét về Tây Nguyên:

Tây Nguyên một thời được gọi là Cao Nguyên Trung Phần. Đây là khu vực địa lí có địa hình cao nguyên, bao gồm 5 tỉnh. Các tỉnh được xếp theo thứ tự vị trí địa lý từ bắc xuống nam gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Trong đó tỉnh Kon Tum nằm xa nhất, cách Sài Gòn khoảng 700km.

Tây Nguyên có 3 sân bay là sân bay Liên Khương (ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), sân bay Buôn Mê Thuột (TP. Buôn Mê Thuột, tỉnh Đăk Lăk) và sân bay Pleiku (ở TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Để di chuyển lên 1 trong số các tỉnh Tây Nguyên, du khách có thể đi bằng xe máy, ô tô hoặc máy bay.

Tây Nguyên có địa hình cao nguyên, cảnh quan thiên nhiên đa dạng và phong phú. Nơi đây có 2 mùa mưa, khô rõ rệt. Đặc trưng của Tây Nguyên là rừng lá khộp. Các loài cây được trồng phổ biến ở đây là cà phê, cao su, tiêu, điều, chè… đều là những cây công nghiệp lâu năm. Ngoài ra có một số loài hoa màu như khoai mì, khoai lang, nghệ.

một ngôi nhà sàn bên đường vào hồ Lăk, tỉnh Đăk Lăk

Do có địa hình đồi núi là chủ yếu, cộng thêm sở hữu rất nhiều vườn quốc gia như vườn quốc gia Yok Đôn (Đăk Lak), Vườn quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum), Vườn quốc gia Chư Yang Sin (Đắk Lắk); Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai); Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà (Lâm Đồng); khu bảo tồn tự nhiên Ngọc Linh (Kon Tum); Tây Nguyên chính là một địa điểm lí tưởng để trekking, khám phá hệ động thực vật hoang dã và tìm về với thiên nhiên.

Nhà thờ Gỗ Kon Tum

Bên cạnh tài nguyên thiên nhiên đa dạng, Tây Nguyên còn sở hữu một nền văn hóa đặc sắc bởi nơi đây là địa điểm sinh sống của rất đông các đồng bào dân tộc Tây Nguyên như Ê đê, Stieng, Rơ Mâm… Ngoài ra, tại đây cũng tập trung rất nhiều đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc di cư đến cùng sinh sống như Tày, Nùng và một bộ phận lớn dân tộc Kinh (Việt) đi định cư, tạo cho Tây Nguyên ngày nay trở thành một khu vực giao thoa văn hóa rất độc đáo.

 

 

2 Comments

  • Tân Nguyễn
    27/08/2021 at 12:29 chiều

    Hay quá

    Reply
    • Thùy Liên
      05/10/2021 at 11:03 sáng

      cám ơn bạn 🙂

      Reply

Leave a Reply