Tôi bắt đầu mường tượng về ngọn núi Phú Sĩ nơi xứ sở mặt trời mọc từ khi còn là một cô nhóc. Khi còn nhỏ, tôi mê truyện tranh Doremon tít thò lò. Thế nên những câu chuyện với Xuka, Nobita, Doremon, Chai-en… gắn với tôi qua từng trò chơi, giấc ngủ.
Thuở ấu thơ kì diệu ấy làm cho Fuji Mt trong tôi là một cái gì đó rất thương yêu, thân thuộc lắm nhưng nhiều lúc cũng xa vời vợi. Chỉ biết rằng cô bé vẫn luôn ao ước có một ngày được tận mắt, tự mình nhìn thấy ngọn núi lửa huyền thoại. Và biết đâu trong giờ phút lẩn thẩn ngắm Fuji Mt từ xa, cổ sẽ bắt gặp đôi bạn Doremon, Nobita đang dạo bước trở về nhà…

Hình ảnh núi Phú Sĩ Nhật Bản trong “truyền thuyết”. Ảnh: sưu tầm
Tôi chọn đi thăm núi Phú sĩ mùa hè. Nhiều người bảo dại, mùa hè thì tuyết tan hết rồi, đâu có còn một màu trắng xóa tuyệt đẹp như trong truyền thuyết? Nhưng thực ra mỗi mùa nơi đây lại có 1 vẻ đẹp của riêng nó. Và đối với dân mê trekking thì đi núi Phú Sĩ vào mùa hè là thời điểm tuyệt vời nhất. Đây là lúc thời tiết trong năm thuận lợi lên đỉnh núi. Bạn có biết? Muốn chinh phục núi Phú Sĩ, bạn phải đăng ký và chờ tới thời gian chính phủ mở cửa cho leo núi (khoảng tháng 7 – tháng 8 hàng năm).

Đường lên núi Phú Sĩ

Đường lên trạm 5 núi Phú Sĩ
Trong văn hóa Nhật Bản, núi Phú Sĩ không đơn thuần là biểu tượng quốc gia mà còn là biểu tượng của nền văn hóa xứ mặt trời mọc. Không có ngọn núi nào lại được mang vào thơ ca hay các bức họa, câu đối… nhiều như núi Phú Sĩ.
Với người Nhật, ai ai cũng mong được chinh phục núi Phú Sĩ một lần trong đời. Đó như là sự chứng minh cho lòng quả cảm, sự kiên nhẫn, tinh thần vượt qua thử thách khó khăn…Người dân xứ sở Phù Tang cũng có câu: “ai khôn thì leo núi Phú Sĩ một lần, ai dại thì leo Núi Phú Sĩ lần 2”. Nói như vậy là vì con đường lên đó quá cực. Ấy vậy mà cứ hết lớp người này đến lớp người khác đều mong muốn đến được đây.

Ngọn núi thiêng tuyệt đẹp của người Nhật nhìn từ xa trong mùa thu. Ảnh: sưu tầm
Núi Phú Sĩ ngày nay thuộc địa giới 2 tỉnh, xưa kia thuộc 2 đất nước khác nhau. Người dân ở 2 phía núi có 2 giọng nói khác nhau, tương tự như Huế và Đà Nẵng cách nhau bởi đèo Hải Vân ở Việt Nam vậy.
Để leo núi Phú Sĩ có tới 10 trạm dừng. Trong đó 5 trạm đầu tiên thì xe ô tô có thể lên tới. Trạm số 5 cũng là trạm dừng thường xuyên của các đoàn khách du lịch ghé tham quan, ngắm núi từ xa. Từ trạm số 5 trở đi, mọi người phải đi bộ, trekking qua con đường có độ cao, dốc ngược. Quãng đường chinh phục Fuji Mt chỉ có 20km nhưng hành trình đến đỉnh núi nếu thuận lợi và sức khỏe tốt thường là tới 2,3 giờ sáng. Lúc này dù là mùa hè thì bạn cũng phải mang đủ quần áo ấm vì nhiệt độ trên núi cao vào ban đêm cực lạnh.
Đường từ chân núi lên Trạm 5 của núi Phú Sĩ (5 St.) sẽ có cung đường nhựa, băng qua khu rừng gọi là khu rừng chết. Sở dĩ nơi đây có tên gọi như vậy vì khu vực này là nơi núi lửa từng hoạt động, thành ra có từ trường rất lạ. Bởi thế nên nhiều nhà thám hiểm và nhà khoa học đi vào đây đã không thể tìm được đường ra.

Hình: Getty Image
Cũng vì lẽ này, hàng năm trung bình có khoảng 200 người Nhật chọn đến nơi đây để tìm đến cõi vĩnh hằng (tự tử). Câu chuyện về khu rừng chết cũng đã được nhiều nhà làm phim trên thế giới tận dụng để quay những bộ phim hành động, kinh dị.

Hình: Internet
Đối với các nhân viên cứu hộ, nếu vào đây để thu dọn xác người thì họ phải thòng thêm một sợi dây thừng để đánh dấu đường ra. Nếu đi dọc ven đường rừng này, thỉnh thoảng du khách sẽ nhìn thấy nhiều những sợi dây màu đỏ được buộc vào thân cây, chính là những chiếc dây đánh dấu lối ra cho những người chẳng may lạc vào rừng.

Hình: Tianime
Cũng dọc theo con đường nhựa đi lên núi Phú Sĩ, sẽ có một số đoạn bạn thấy hình ảnh những nốt nhạc được vẽ trên đường. Đó là vị trí đánh dấu những nơi bạn đi qua có thể nghe tiếng nhạc. Hiện tượng này đang được giải thích là do hướng gió, kết hợp với cung đường cong hợp lại tạo nên những âm thanh nhảy nhót kì lạ.
Thời tiết quanh núi Phú Sĩ cũng rất lạ lùng. Trên quãng đường di chuyển từ làng cổ Oshino Hakkai đến trạm 5 của núi là một sự thay đổi thời tiết chóng vánh. Cứ đi 1 quãng vài chục mét bạn sẽ thấy sương mù dày đặc, người cách người khoảng 3 mét đã chẳng thể thấy được mặt nhau. Trên chặng đường ì ạch di chuyển, xe chúng tôi phải bật đèn đường. Đi thêm được vài chục mét tiếp theo thì trời quang mây tạnh, mặt trời lên cao, không khí chan hòa. Đang nắng ấm vui vẻ như vậy thì một đoạn sau lại bắt gặp cảnh mây mù tương tự như lúc nãy.

Làng Oshino Hakkai dưới chân núi Phú Sĩ trong một chiều mùa hè. Ảnh Lien Pham
Bởi như vậy, dù là mùa hè, trong những ngày thời tiết không thuận lợi thì bạn cũng không thể đi ô tô lên tới được trạm 5. Thế mới biết, phải ai có duyên lắm mới được chạm thật gần ngọn núi Phú Sĩ…

Check in trạm 5 núi Phú Sĩ. Ảnh: Lien Pham

Check in trạm 5 ở Núi Phú Sĩ. Ảnh: Lien Pham

Thung lũng Owakudani dưới chân núi Phú Sĩ được hình thành bởi miệng núi lửa cũng là một địa điểm thú vị để check in
Xem thêm:
No Comments