Một ngày cuối tuần rất quỡn, 2 đứa con gái đạp xe chở nhau hơn 40 km vào tham quan chùa Bửu Long quận 9. Mục đích: ngắm ngôi chùa tuyệt diệu (thường bị nhầm là chùa Thái Lan) và test thể lực. Đi một mình thì ngon, chứ chưa bao giờ test thể lực bằng cách chở thêm một người cả. Đắng… à mà thôi.
Hướng dẫn đường đi chùa Bửu Long quận 9
- Từ các nơi, bạn đi về ngã 4 Thủ Đức. Tại đây rẽ vào đường Lê Văn Việt và vượt qua một chặng đường dài đến đường Nguyễn Xiển, từ xa, bạn sẽ nhìn thấy ngôi chùa có ngọn bảo tháp màu vàng vô cùng ấn tượng. Ấy chính là chùa Bửu Long.
- Địa chỉ: Chùa Bửu Long, 81 Nguyễn Xiển, Long Bình, Quận 9, Hồ Chí Minh, Việt Nam
Nhìn trên bản đồ thì bạn sẽ thấy chùa Bửu Long nằm gần khu du lịch Suối Mơ và du lịch Sinh Thái Thủy Châu nhé.
Chùa Bửu Long quận 9 không phải là “chùa Thái Lan”
Có một điều là nhiều bạn ghé thăm chùa Bửu Long, thấy nó có cái bảo tháp màu vàng giống chùa ở Thái Lan nên mọi người hay gọi chung nó là chùa Thái Lan. Chiếc bảo tháp thường thấy ở Thái Lan được gọi là Chedi (tháp hài cốt) thờ cả hài cốt vua, cả xá lợi của Đức Phật.
Trong ngành học của mình từng học có môn khảo cổ học, văn hóa học và môn bảo tàng học nên lúc trước tụi mình hay đi điền dã. Vào chùa không phải là để đi viếng chùa mà là đi xem kiến trúc chùa. Vậy nên mình khá kĩ tính trong mấy vấn đề này. Cứ ai gọi chùa Bửu Long quận 9 là chùa Thái Lan, tự nhiên thấy khó chịu hẳn. Kiểu như bạn ra nước ngoài ai nhìn bạn cũng tưởng người Đài Loan hay Chinese ấy. Hay là bạn tên Liên mà người ta cứ gọi tên Lan. Nói chung là hổng được vui.
Để mọi người hiểu hơn thì là thế này. Chùa Bửu Long ở quận 9 được thiết kế theo kiến trúc của văn hóa Phật giáo cổ đại, có nguồn gốc trực tiếp từ nền văn minh vùng Suvannabhumi – (văn hóa Phù Nam) kết hợp với kiến trúc hiện đại. Chọn những mẫu hoa văn cổ rồi biến tấu cho gần gũi nhất với văn hóa Việt. Do đó tạo thành một kiến trúc vừa có nét chung của Phật Giáo Nam Tông vùng Đông Nam Á vừa có phong thái riêng của Phật Giáo Nam Tông Việt Nam.
Mọi người thấy chùa Bửu Long giống chùa Thái Lan vì Phật Giáo Thái Lan theo đuổi cũng là phái Nam Tông (Theravada Buddhism, tức Phật Giáo Nguyên Thủy), do đó lối kiến trúc có nét tương đồng. Sự khác biệt ở đây là Chùa Bửu Long quận 9 lấy thêm những họa tiết theo văn hóa Việt: con rồng, hạc trên lưng rùa. v.v… mà bạn rất dễ bắt gặp trong các ngôi chùa, đền miếu của người Việt.
Viện chủ Viên Minh – người thiết kế nên công trình này cho biết: kiến trúc của bảo tháp là kiến trúc Phật Giáo Nam Tông đặc trưng trong vùng Đông Nam Á với các họa tiết trang trí như rồng uốn lượn tạo thành mái vòm, hoa văn nổi, phù điêu, bánh xe chuyển pháp luân… xuất phát từ nền văn hóa Phù Nam cổ.
Chú thích thêm: khu vực Đông Nam Á từ xa xưa trong các sách cổ của Ấn Độ đã được nhắc tới với cái tên như Suvarnabhumi (đất vàng) hay Suvarnadvipa (Đảo Vàng) – chủ yếu chỉ Phù Nam – Phù Nam tức là vùng lãnh địa Suvannabhūmi chịu ảnh hưởng văn minh Phật giáo Ấn Độ từ triều đại Asoka. Ngày nay, kiến trúc cổ của nền văn minh Phù Nam còn được giữ lại qua các di tích lịch sử nổi tiếng như Angkor Thom, Angkor Wat của Campuchia, Thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam và Tháp Bà ở Nha Trang của Việt Nam…
Riêng về lịch sử của chùa thì bạn có thể đọc thêm tại đây.
Ngôi bảo tháp có tên là Gotama Cetiya. Trong bảo tháp có thờ xá lợi Đức Phật và Chư Thánh Tăng, rộng trên 2.000m², cao 70m. Tại đây có cả giảng đường lớn để hội họp, thuyết pháp, hành thiền. Xá lợi Đức Phật thì có xá lợi máu, xá lợi xương, xá lợi tóc…
Bảo Tháp Gotama Cetiya được thi công xây dựng từ ngày 1-8-2007, thuộc tổ đình Bửu Long, trong công viên Lịch sử và Văn hoá dân tộc. Hòa thượng Viên Minh, Viện chủ Thiền viện Bửu Long cho biết: dự án đã được Tổ Hộ Tông quan tâm từ năm 1965 nhưng mãi đến 2007 mới được Ban quản trị, chư tăng, Phật tử đồng tâm thực hiện. Theo đó, Bảo tháp do chính tay trụ trì Viên Minh thiết kế, rồi đứng ra quyên góp, xây dựng và hoàn thành năm 2013.
Gotama Cetiya là ngôi bảo tháp có quy mô lớn nhất Việt Nam. Tại đây có 5 tháp lớn nhỏ, tháp chính điện ở trung tâm cao và lớn nhất với 7 tầng. Đỉnh tháp gắn hàng trăm chiếc chuông gió, xung quanh được dát đồng thau vàng óng. Bên trong có một bảo tháp nhỏ thờ ngọc Xá Lợi Đức Phật và Xá Lợi chư Thánh Arahán.
Bốn tháp nhỏ xung quanh là: Đản Sinh, Thành Đạo, Pháp Luân và Niết Bàn. Hai bên tả hữu là hai tháp chuông cao 15m. Ngay dưới chân bảo tháp là hồ bán nguyệt có diện tích 280m2 chứa khoảng 800 khối nước, ở giữa có vòi phun nước hình rồng, bao quanh là các Thạch đăng tự rất đặc trưng của kiến trúc Suvannabhūmi cổ xưa.
Ngoài ra, quanh tháp còn có 32 cây đèn cao khoảng 4m, đây là điểm nhấn trong kiến trúc hiện đại của bảo tháp. Bên trong bảo tháp được thiết kế theo kiểu tương xứng, đối lập nhưng hài hòa. Tổng diện tích các sàn tầng là 7.256m2, chiều cao 80m so với mặt nước biển. Bảo tháp có thể chứa trên 2.000 người cùng vào tham quan chiêm bái Xá Lợi Phật. Ngọn tháp chánh điện được dát đồng thau vàng óng.
Các hành lang quanh bảo tháp xá Lợi Gotama Cetiya được trang trí rất nhiều hoa văn đặc trưng của Phật giáo Nam Tông.
Linh vật rồng ngậm ngọc uống lượn cùng mây tạo thành mái vòm đóng vai trò chủ đạo trong kiến trúc bảo tháp. Những cột đèn được thếp vàng, xung quanh gắn 4 chim phượng hoàng tạo tính thẩm mỹ cao. Những hàng thạch đăng tự rất đặc trưng của kiến trúc Suvannabhmi cổ xưa cũng lần lượt bao quanh.
Trong khuôn viên Tổ đình Bửu Long còn có chòi lục giác. Bảo tháp Gotama Cetiya nhìn từ phía sau cho thấy nét kiến trúc đối xứng, hài hòa.
Lần đầu tiên đến chùa Bửu Long quận 9, mình đã có cảm giác choáng ngợp vì vẻ đẹp và sự thanh tịnh của nơi này. Một địa điểm thích hợp để ghé thăm vào dịp cuối tuần, xóa tan cái nắng nóng ngột ngạt của thành phố. Cho đến nay, mình đã tới ngôi chùa này được 3 lần rồi.
Lưu ý khi đi chùa Bửu Long, quận 9:
- Nếu mặc quần đùi hoặc váy ngắn đến chùa Bửu Long quận 9 thì bạn phải ra bên trái hông chùa có chỗ cho mượn khăn để quấn lại cho lịch sự mới được vào.
- Khi lên bảo tháp phải bỏ dép phía bên dưới.
- Hạn chế quay phim chụp ảnh bên trong bảo tháp
- Giữ yên tĩnh, không ồn ào khi vào và đi quanh bảo tháp
- Nên đi vào các ngày thường và đi lúc sáng sớm thì chùa sẽ bớt đông người hơn
- Nên đi vào các ngày thời tiết đẹp, nắng ấm, sáng sủa thì các sư thầy sẽ mở cửa cho các bạn tham quan chiêm bái xá lợi Phật. Người ta nói phải cực kì có duyên và có phước đức thì mới được dịp chiêm bái xá lợi Phật thiêng liêng.
- Có thể vòng ra phía sau khuôn viên chùa để ngắm cảnh, xem chỗ sinh hoạt, trồng trọt của các vị sư.
1 Comment
Son Hoang
11/01/2021 at 7:27 sángChào Liên, mình tính tới chùa quay hình cho chương trình KPVN vào cuối tuần này, cần nhờ bạn đồng hành, vậy liên hệ với bạn bằng cách nào?