Lúc mình đang bắt đầu đặt tay gõ lại cái note này thì nhận được inbox từ đại ca Minh Phan (boss của cộng đồng leo núi VietClimbing). “Leo Fan là biểu tượng Còn Bà Đen mới thật sự là leo núi. Leo được Bà Đen, không núi nào ở Việt Nam ko leo được, kể cả Kinabalu ở Malaysia”.
30.4.2015.
Thật ra đây là lần leo núi đầu tiên trong đời, và cũng vừa bước chân vào chơi thể thao được 1-2 tháng. Do đó mà nói, mình lúc này còn rất ngây thơ, chưa hề biết kỹ năng leo núi là gì, nên tối giản balo ra sao và cũng còn bánh bèo đến cỡ nào. Nhưng thật hay ho vì sau cái lần ngố rừng này, mình thực sự mê luôn leo núi.
Trước khi đến với núi Bà, mình đã nghe qua review từ không ít bạn bè, kể cả những đứa ưa đi bụi nhất cũng bảo: Đỉnh núi BÀ ĐEN chẳng có gì, chỉ có cái trạm thu phát sóng, bộ chỉ huy quận sự với đền thờ nho nhỏ. Túm cái váy lại là không có gì hấp dẫn.
Òa, vậy hả *mình nghĩ trong đầu* nhưng mà mình vẫn phải lên xem thực hư nó ra làm sao. Bệnh của mình là khi nghe người ta chê một cuốn sách dở thì phải kiếm đọc để biết tại sao nó dở! Núi Bà Đen bị chê hổng có gì để khám phá hở? Thì mình phải đến xem tận mắt thực hư =]]
Thế là quyết.
Nói là nói vậy, nhưng cũng lên lịch 5 lần 10 lượt rồi bận công chuyện tùm lum, cuối cùng anh bạn học chung lớp đại học hứa làm guide dẫn mình lên đây tuyên bố sắp giải nghệ. Vậy là làm cú chót.
Trước lúc lên đường, xem cái list đồ phải chuẩn bị mình hơi bị shock. Lăng quăng đi mượn cái balo có đai trợ lực nhưng không biết mượn ai vì bạn bè nhiều mà lễ thì tụi nó đi chơi hết, bản thân vốn nghĩ sau đợt này rồi hổng đi nữa đâu, nên hổng có sắm đồ đi bụi chi cho phí.
Vại là ôm cái điện thoại alo cho cậu e Nguyễn Trần Minh Khôi, không ngờ xuống hốt cái balo thì được chú em giao luôn cho hộp đồ y tế với cặp đèn pin xịn. Cảm động rơi nước mắt T.T
Cuối cùng tối giản lại thì hành trang còn lại gồm: Ba lô 40l, đèn pin, hộp thuốc y tế, áo mưa 1 phương tiện + 1 cánh dơi, võng ngủ, khăn rằn, áo dài tay, 2 quần thể thao, bao tay, hộp quẹt, thuốc chống dị ứng, đt 2 cái, vớ chân 2 đôi, đồ ăn + nước uống = total 10kg/Liên.
Thiệt tình đây là lần đầu tiên mình leo núi mà chưa có tập dượt làm quen địa hình gì cả, có thỉnh thoảng chạy bộ với lại đi bụi cũng chịu khó nên cứ tinh thần ngu mà lì rồi đi thôi. Biết trước ít có ớn nên lần này chỉ mang theo 1 câu nói để push ý chí: Bước ra khỏi vùng an toàn. Get out of your comfort zone! :v Không thử sao biết mình chịu khổ được đến cỡ nào. (đọc hết note sẽ hiểu tại sao khổ).
LIỀU CHỌN MA THIÊN LÃNH CHO LẦN ĐẦU CHINH PHỤC BÀ ĐEN
Để không bõ công cho chuyến đi, đã đi là đi cho đáng bát gạo đồng tiền, mình liền chọn cung đường hứa hẹn nhiều dư vị nhất =]]
Chuyện là để lên tới đỉnh BĐ, bạn có rất nhiều option để chọn lựa:
– Leo đường cột điện (men theo cột điện mà lên). Đường này thường được các bạn trẻ chọn đi cùng với bạn bè, một kiểu để khám phá. Tuy nhiên nhiều bạn đi lần đầu, không có kinh nghiệm mà không tìm hiểu kỹ, nghĩ đơn giản nên phát khóc vì thiếu nước. Đường này thời gian leo lên tới đỉnh mất khoảng 4 tiếng.
– Đường ống nước
– Đường chùa (men theo bậc thang lên chùa). Đường này mệt mà chán phèo à, nhưng là con đường truyền thống mà du khách thập phương hay chọn.
– Option cuối cùng cũng là option khó nhất: Chinh phục Bà Đen bằng cung Ma Thiên Lãnh.
Đối với những bạn ít đi bụi, cái tên này có vẻ lạ tai và có phần âm u bí hiểm. Nếu như cái tên núi Bà Đen nổi danh bao nhiêu thì Ma Thiên Lãnh lặng lẽ bấy nhiêu (Hồi đó mềnh cũng nổi da gà).
Ma Thiên Lãnh ít được biết đến có lẽ vì đường vào hiểm trở, hoang vắng. Người ta đồn rằng một khi bước vào Ma Thiên Lãnh, chẳng may lạc chân vào sẽ chẳng thể tìm được lối ra!!! Muốn vào cấm địa thiên thai này, có rất nhiều con đường mòn đổ từ núi Phụng, núi Heo, núi Bà Đen, nhưng đương nhiên chỉ có local (người dân địa phương) mới nắm rõ chúng trong lòng bàn tay. Bởi thế nên, nếu chinh phục Ma Thiên Lãnh mà không có kinh nghiệm đường rừng, những ai mới đi lần đầu, chớ lớ quớ đi mà không có người dẫn đường, một khi đã lạc thì không có đường trở lại.
Đành rằng có cả đội cứu hộ luôn túc trực nhưng bạn phải định vị được chỗ bạn đang đứng thì họ mới tới vớt bạn về được chứ =]]
Với Ma Thiên Lãnh, bạn phải leo núi băng rừng theo đúng nghĩa đen. Đến với nơi đây, trước mắt bạn ngoài sự hùng vĩ của núi đồi, sự âm u, trầm mặc, thanh vắng còn là cái hoang dã của núi rừng. Những tảng đá to lởm chởm, dây rừng quấn vào nhau. Rồi thì ỗ mục, lá khô, tiếng chim kêu vượn hót…
Để leo núi, mình phải vận dụng đủ mọi tư thế: Nhảy, bám, leo, trèo, luồn, lách, bò, toài… Mỗi lần người dẫn đường nhanh nhẩu nhảy lên tảng đá phía trước và bảo Bước qua đi em là mình lại ngửa mặt lên trời, miệng phát ra 2 từ trong bài hát “Chân ngắn”. Hận đời kinh khủng =))
Thật ra mình phải chia rất nhiều chặng nghỉ mới có sức mà leo tiếp, cơ mà sau mỗi chặng nghỉ thể lực lại tăng lên theo cấp số nhân. Kỹ thuật Walk Run Walk của dân chạy bộ thật là có ích. Lại nhớ thêm bài tập thể lực “Đứng tấn bóp tay” của dân chạy xe đạp nữa. Chuyến đi này dạy mình quá nhiều thứ!!!
Để mình mô tả lại các cung bậc cảm xúc heng.
ĐAU KHỔ LÀ KHÔNG TRÁNH KHỎI, ĐAU ĐỚN LÀ TỰ NGUYỆN
*chặng: ở đây là đánh dấu mỗi lần mình dừng lại nghỉ
Chặng 1: Bắt đầu ngấm cái khổ của chuyến đi, trong đầu mình chỉ hiện ra 1 câu hỏi: Tại sao người ta thích hành xác? Người ta hành xác để được cái gì? Trong lúc đánh lạc hướng trí não mình không dồn đau khổ vào đôi chân, mình cố vẽ ra câu trả lời: Hành xác để tìm cảm giác được sống lại! Trạng thái lúc ấy là: Tinh thần của bạn đấu tranh trên mỗi bước chân.
Chặng 2: Trước khi đi, mình đã lường trước những “điều đao khổ” sẽ phải nếm qua, quyết đi vì tự nhủ: Mình sẽ đi tìm điểm giới hạn của chính mình. Thế nhưng ở chặng thứ 2 thì mình bắt đầu ngấm: Đây là những trải nghiệm kinh khủng nhất mà mình từng biết qua. Mẹ mà biết ngày hôm qua mình đã làm những gì, dám chắc bà sẽ làm một cái chuồng để nhốt mình ở nhà mất :v.
Chặng 3: Lúc này bắt đầu không còn sự hỗ trợ của người dẫn đường nữa. Anh lạnh lùng: Tự tìm cách vượt qua đi. Em hãy tìm con đường nào dễ nhất để tự bước qua.
Thật sự đây là chặng muốn khóc nhất nhưng chả có cái cớ mie gì để khóc cả. Lúc này mọi thứ mình cảm nhận được là đang được răn dạy 1 cách nghiêm khắc 1 điều: mỗi người phải tự biết lo cho chính mình, không ai đến kịp để cứu cô đâu cô gái. Nhờ vậy trong đầu càng đinh ninh ý niệm: Về nhà phải tập thể lực mỗi ngày thoy! Mục đích là hòng tăng sức chịu đựng, tăng tính kiên trì và để bỏ chạy thật nhanh lúc gặp nguy hiểm 😀
Chặng 4: Giờ thì mình phải tự xem cành cây nào chắc, dây nào không mục để bám vào, tảng đá nào mình có thể nhảy và tảng đá nào mình có thể bước qua.
… Oài, đến được tới đây thì mình bắt đầu hứng thú. Khi đã vượt qua giới hạn của bản thân thì cảm giác của bạn là… feel the beat! Quá đã.
Sức lực bắt đầu tăng lên, tinh thần ham khám phá lại được trỗi dậy. Và lúc này con bé bắt đầu nhảy đá, đu dây như khỉ =}}.
Ô la la, ra là vậy, Dragon Dash cũng như thế là cùng. (Giờ thì hiểu tại sao mấy gã Tây tham gia thử thách vượt chướng ngại vật Dragon Dash lại mang bao tay). Mà thật ra còn dữ dội hơn, vì địa hình ở đây đá nối đá, dây leo nối dây leo, thảm thực vật còn nguyên sinh chán nên cây cối tha hồ chằng chịt. Điều cấm kị là mấy đống lá mục với lại hẻm đá thì đừng có dại mà đặt chân vào. Ma Thiên Lãnh là lãnh địa của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm, nhưng đặc biệt nhất là các loài mãng xà. (Cho nên trong hộp đồ y tế không thể thiếu đồ sơ cứu vết rắn cắn).
Nguy hiểm là vậy nhưng thỉnh thoảng trên đường đi bạn có thể gặp thằn lằn núi, cây sâm rừng, lan rừng, gió thổi mát rượi, lá bay xào xạc, lại đế thêm tiếng vượn hót chim kêu… ta nói như lạc vào một xứ sở khác.
Thật ra cũng giống chạy bộ, nếu bạn dừng chân nghỉ lại quá lâu thì chân sẽ bị run, bước đi kém chính xác và tay sẽ chẳng nhấc balo lên nữa. Thế nên nghỉ chưa được một phút mình đã phải nhấc mông đi tiếp.
VÀ SỰ THẬT LÀ:
– Điểm trừ: Mình chỉ leo lên đến trạm 1 rồi dựng lều ngủ, tức là leo được 400/ 938m của Núi Bà Đen, cung Ma Thiên Lãnh. Leo lên 5 tiếng, leo xuống 4 tiếng.
– Điểm cộng: Đây là lần đầu tiên leo núi, không qua huấn luyện, không qua test thể lực mà tới hẳn Ma Thiên Lãnh.Cái này gọi là “Liều ăn nhiều”.
– Leo Ma Thiên Lãnh và xuống Ma Thiên Lãnh (thường thì xuống đường cột hoặc đường chùa)
Lúc mình đang bắt đầu đặt tay gõ lại cái note này thì nhận được inbox từ đại ca Minh Phan (boss của cộng đồng leo núi VietClimbing). Hai anh em tám một hồi, lát sau mới nghe a chia sẻ:
“Leo Fan là biểu tượng Còn Bà Đen mới thật sự là leo núi. Leo được Bà Đen, không núi nào ở Việt Nam không leo được, kể cả Kinabalu ở Malaysia”.
Nghe xong, lòng dạ nóng ran lên, vui kinh khủng. Cực thì sao chứ nhỉ, 2 ngày sau sự kiện chơi dại leo Ma Thiên Lãnh khi chưa hề tập thể lực, chân và vai mình vẫn đau tê tái, dáng đi 2 hàng, leo cầu thang ré lên ré xuống. Thế nhưng đổi lại hai mấy năm đầu đời, em nó đã nếm được mùi leo núi thực sự.
Còn học thêm mớ kỹ năng nấu ăn ở rừng bằng lon bò húc khi không có nồi niêu song chảo. Chắc để khi nào… rảnh, kể sau =]]
CHINH PHỤC THÀNH CÔNG MA THIÊN LÃNH VÀO MẤY THÁNG SAU
Hơn mấy tháng sau, chính xác là ngày 26/9/2015, một ngày định mệnh khi mọi người ở nhóm chạy đang tham gia thử thách ở giải chạy trail Vietnam Moutain Marathon tại Sapa, tụi mình leo nhóm 19 người, chỉ có vài nam, còn lại toàn nữ.
Đêm đó trời mưa to, trăng sáng vằng vặc. Hành trình chinh phục Ma Thiên Lãnh được thực hiện giữa đêm mưa xuyên suốt đến cả ngày hôm sau. Đây cũng là trận leo núi suýt lấy mạng mình vì hôm sau đường xuống chùa quá ư trơn trượt và hiểm trở (khó khăn với người leo xuống).
Nhưng cũng sau lần sống sót này, mình lại học thêm được nhiều bài học về kĩ năng đi rừng và cách giữ sức. Khi xuống mình kiếm một cây gậy để chống, 3 chân đi sẽ vững hơn 2 chân. Đến đoạn ngàn bậc thang xuống núi, 2 tay mình cầm ngang cây gậy rồi bước đều như đang chạy trail, đỡ tốn sức mà tránh chấn thương, lại đi nhanh hơn hẳn.
Núi Bà Đen Là một trong những nơi nổi tiếng của Tây Ninh, gắn liền với điểm đến núi Bà Đen huyền thoại. Chùa Bà Đen được đông đảo du khách ghé đến thăm viếng và cầu nguyện bởi ý nghĩa tâm linh.
Được biết xưa kia núi Bà Đen là núi lửa nhưng nay đã dừng hoạt động. Trên đỉnh núi đặt 3 trụ phát sóng, khí hậu mát mẻ, ban đêm rất lạnh. Nhiệt độ ban đêm trung bình khoảng 15 – 17 độ. Dọc đường leo lên núi (đường chùa) chỉ có bán 2 thứ là nước khoáng và mì tôm với giá bình dân. Một người bình thường mất từ 2h – 4h để leo tới đỉnh (đường chùa).
Bài đăng trên: https://ididau.vn/dung-khoc-o-ma-thien-lanh
No Comments