Trở về sau mùa hè từ xứ sở mặt trời mọc, tất cả còn lại trong tôi ưu tư nhất… có lẽ là cảm giác bình yên khi một sáng đến với Oshino Hakkai.

hình: @planetyze
Oshino Hakkai là tên một ngôi làng cổ bình yên nép mình dưới chân núi Phú Sĩ. Bao bọc quanh làng là rải rác 7,8 chiếc hồ nhỏ có nước chảy trong vắt soi bóng mặt người. Những hồ nước này chính là dấu vết của miệng núi lửa phun trào còn sót lại. Nước trong hồ cũng là nước do băng tan từ các đỉnh núi lửa, thấm xuống lòng đất và chảy theo mạch ngầm về đây.
Chúng tôi đến Oshino Hakkai trong chuyến đi, ngay sau khi xe chuyển bánh tạm biệt thung lũng Owakudani. Dạo bước vào làng, tôi men theo những con đường nhỏ mà 2 bên chỉ rặt những ngôi nhà Nhật Bản kiểu truyền thống. Ngạc nhiên làm sao, khi tại đây bạn có thể nhìn thấy những ngôi nhà, vườn giản dị. Đưa mắt nhìn xung quanh, tôi thấy lấp ló hình ảnh những người nông dân đang lúi húi nhổ cỏ, vun cây trong mảnh vườn nhỏ xinh của họ.
Người Nhật rất lạ, họ làm gì cũng theo một quy chuẩn chính xác, vườn cũng phải đẹp, cây cối trong vườn phải được cắt tỉa kỹ càng, thẩm mỹ, dù họ chả trồng cây gì để thu trái cả vì họ đã có những nông trại riêng. Nhìn những nhà vườn, tôi chợt nghĩ: cuộc sống của người Nhật không có 2 chữ “lười biếng”. Nếu rảnh rang, họ có thể ngồi ngoài vườn tỷ mẩn nhổ cỏ cả một ngày.
Tôi đặt chân đến Oshino Hakkai vào mùa hè. Tôi đồ rằng đây không phải là mùa đẹp nhất. Mùa đẹp nhất phải là mùa xuân khi cây cối đâm chồi nảy lộc, và biết đâu đó, lại có những bông hoa anh đào lấp ló. Mùa đông – khi tất cả mái nhà được phủ đầy một lớp tuyết trắng tinh và mặt hồ thì yên ả hiện lên như bức tranh thủy mặc. Hay mùa thu – mùa của những chiếc lá vàng lá đỏ đổi màu tuyệt đẹp điểm tô cho mặt hồ trong veo đến tận đáy.

hình: Willer Express
Đến Oshino Hakkai, bạn phải làm một thủ tục vào làng đó chính là đến chỗ bể chứa nguồn nước ở giữa hồ làm nghi thức rửa tay. Bạn phải dùng gáo bằng ống tre hứng dòng nước chảy qua khe nhỏ để rửa sạch hai bàn tay theo quy tắc. Sau đó xoa nhẹ lên mặt. Bạn cũng có thể hứng thêm một chút nước mát lạnh để uống trước khi cầm vào chuôi gáo, xối ngược gáo nước để rửa tay cầm và trao lại cho người kế tiếp. Đây là một nghi thức quen thuộc thường thấy khi đến bất cứ một đền, chùa nào ở Nhật Bản.
Dòng nước trong mát dùng để rửa tay và uống, được biết là nguồn nước chảy về từ đỉnh núi Phú Sĩ. Đó là nước từ những mảng băng, tuyết tan ra, ngấm vào mạch ngầm trong lòng đất và đổ về. Người Nhật tin rằng nước từ núi Phú Sĩ sẽ đem lại cho họ nhiều may mắn và sức khỏe. Bởi thế nên ai đến đây cũng chuẩn bị một chai nước (không có chai thì mua chai) để lấy một ít nước mang về.
Ngôi làng yên tĩnh xinh đẹp với khu vườn bonsai được chăm tỉa khéo léo. Điểm xuyết cho nét duyên dáng đó là những hồ nước màu xanh ngọc bích thấy cả bóng trời. Dưới đáy hồ thì như 1 thủy cung với đàn cá đủ sắc màu và nhiều loài thực vật, rong, tảo kì lạ. Được giữ gìn bằng một đời sống nông thôn thuần khiết, Oshino Hakkai dẫn dắt ta đến một chốn bồng lai thanh cảnh.
Du khách đến thăm ngôi làng, hẳn đã không ít ngạc nhiên khi Oshino Hakkai vẫn giữ nguyên những ngôi nhà đơn sơ lợp mái rạ và các dụng cụ làm nông. Ở đây có cả chỗ phơi ngô như người Việt thường treo giàn bếp. Giữa một đất nước Nhật Bản hiện đại, quy củ, sạch sẽ nhưng cũng đầy áp lực, Oshino Hakkai cho ta một cái nhìn khác gần hơn với nông thôn Nhật và làng mạc yên bình khi xưa.
Đứng ở đây trầm ngâm, tôi liên tưởng đến hình ảnh một vị Samurai mang giáp cưỡi ngựa đi trong làng, một vài ninja từ làng kế bên thoắt ẩn thoắt hiện. Hình ảnh thời kỳ chế độ Mạc phủ Tokugawa với binh lính lui tới trong thoáng chốc và rời đi, trả lại sợ bình yên cho cả ngôi làng…
Cũng là Oshino Hakkai cho tôi niềm suy tư về sự đối lập giữa cuộc sống thành thị và nông thôn ở Nhật Bản. Nếu như 9 giờ tối, giữa ga tàu điện ngầm trên một line tàu ở Tokyo, tôi ngạc nhiên sửng sốt khi phút trước ga tàu còn rộng rãi thênh thang thì phút sau “hàng đàn” người từ tàu điện đổ xuống, đông đặc. Họ suýt nữa đã cuốn tôi vào giữa dòng người mà không thể tìm được lối quay trở lại. Những người này hầu hết đều mặc đồng phục quần tây áo vest. Ấy là những người làm văn phòng ở công ty trở về nhà sau một ngày làm việc chăm chỉ. Hình ảnh cho tôi vỡ lẽ, cớ làm sao thành phố Tokyo được xếp vào danh sách các thành phố đông dân nhất thế giới, nhưng trên đường phố chẳng mấy thấy ai. Thì ra là họ đi dưới lòng đất!
Thế mới thấy, cũng là người Nhật, họ tận dụng hết thảy mọi thứ.
Bởi thành phố đông đúc ngột ngạt đến vậy (tiền thuê nhà ở Tokyo trung bình mỗi tháng khoảng 1.500 USD – nếu tôi nhớ không nhầm), người Nhật rất thích sống ở nông thôn. Họ sẵn sàng ở nhà ở nông thôn và mỗi ngày đi tàu điện 2 tiếng đồng hồ lên Tokyo để đi làm và buổi tối trở về nhà với hành trình tương tự.
Tạm chấm dứt hành trình lãng mạn và những suy tư vẩn vơ của mình tại đây, tôi thầm cảm ơn vì đã có cơ hội đặt chân đến nơi này. Dù chỉ là một chuyến đi ngắn ngủi nhưng xứ sở mặt trời mọc cho tôi được thấy nhiều mảng màu đối lập của cuộc sống. Một nước Nhật với nhiều điều làm thế giới nghiêng mình sửng sốt nhưng cũng còn đó nhiều vấn đề xã hội. Nơi để ta học hỏi vạn điều hay nhưng cũng cần nhìn vào đó để học cách cân bằng.
Oshino Hakkai, mùa hè 2018
No Comments