Mình quyết định đến Bali trong một buổi sáng cách chuyến đi 3 tuần. Trước đó là một khoảng thời gian “dừng đi” khá lâu để tập trung chăm chỉ với các dự án. Vậy nên chuyến đi lần này mình xem như là một khoảng dừng sau tất cả, một cách để retreat bản thân.
Có người hỏi: Bali có thực sự đẹp như báo chí ngợi ca không?
Với mình thì Bali thực sự đẹp và bình yên (đẹp hay không là do góc nhìn mình chọn lọc). Nhưng nhớ rằng đây là nơi dành cho người đi du lịch tự túc hoặc kiểu free and easy với lịch trình linh hoạt. Nếu bạn đi chỉ để check in, chụp hình sống ảo, chắc chắn cảm nhận của bạn là… Bali không khác gì Đà Lạt (khu vực Ubud) hoặc Phú Quốc (khu vực Kuta và các đảo) của Việt Nam.
Bali khác những gì ta thấy ở Phú Quốc, Đà Lạt ở chỗ con người, văn hóa, không khí… Tất thảy mọi thứ đều khác. Muốn hiểu về một vùng đất, đừng chỉ dùng mắt thấy, hãy đọc, nghe, trò chuyện, cảm nhận. Mình mất 2 tuần để đọc và tìm hiểu trước về nơi này. Thế nên khi đến nơi, đó chỉ là sự kiểm chứng và những vỡ lẽ mới, nhưng điều đó làm mình thấy hạnh phúc vì ít nhất nó giúp mình hiểu thêm về nơi mình đặt chân đến.
Những chuyến đi trước kia của mình ít nhiều đều có chút cô đơn, nhưng lần này thì không!
Bali ôm mình vào lòng một cách ấm áp. Đó như là một xứ sở riêng để bạn quay về với chính mình, dành tặng cho mình những điều dịu dàng nhất.
Đối với nhiều người, Bali là nơi cho họ sự bình yên, xoa dịu nỗi đau… Riêng mình, trước chuyến đi, mình đơn giản là quá tải với công việc và tự cảm thấy bản thân đang tiệm cận tới sự già cỗi, tẻ nhạt. Vậy nên khoảng thời gian này với mình thật sự là một khoảng dừng tuyệt vời để refresh lại. Không đấu tranh với bản thân, không áp lực, không nặn idea mới…
https://www.instagram.com/p/B58_CsWp-p_/
Mọi người (người Bali bản địa) thực sự hiền lành, sự hiền lành đó toát lên từ trong tâm hồn, trong máu thịt, từ cách họ nói chuyện luôn cảm ơn và xin lỗi.
Trong chuyến đi mình đã có dịp đồng hành/nói chuyện với 8 người local, bao gồm là diver taxi, driver xe đưa đón, local guide, thêm cả cặp vợ chồng họa sĩ bạn mình sinh ra và lớn lên ở Ubud.
Họ nói về lịch sử Việt Nam, về chính trị thế giới, Trung Quốc, Trump… Mình thấy được quan điểm của họ luôn là muốn hòa bình êm đẹp; như cái cách mà họ xử lý để tránh sự dòm ngó của các thế lực xấu trong văn hóa truyền thống của mình. Vào dịp lễ mừng năm mới (Neypi): trong chuỗi ngày của lễ hội sẽ có 1 ngày chính – ngày Neypi – ngày mà toàn bộ dân trên đảo hoàn toàn yên lặng, không nói chuyện, không đốt lửa bật đèn, không mở loa, xe cộ không đi trên đường, các hàng quán đóng cửa, nhà nào nhà nấy kéo kín rèm cửa sổ…
Đúng vậy, cách họ chọn là “hóa trang” hòn đảo thành hòn đảo chết để đánh lừa các thế lực xấu xa để chúng tự bỏ đi mà thôi.
Nhìn thấy họ, nói chuyện với họ, bạn sẽ chỉ cảm nhận thấy 2 chữ “bình yên”. Một cậu driver bảo với mình: nếu bạn có thấy 1 điều gì khác, thì họ chắc chắn không phải là Balinese (người Bali gốc). Nếu bạn từng nghe có lừa đảo hay bất cứ điều gì lộn xộn ở Bali, họ chắc chắn là người từ các hòn đảo khác (di cư) tới mưu sinh. (Trên đảo không chỉ có người Bali mà còn có người Java và một số nơi khác tới)…
No Comments