Menu

Cảm xúc về MEDDOM – Công viên Di Sản Các Nhà Khoa Học Việt Nam sau một dịp đi công tác (BTV Hà Linh)

Meddom Park – Công Viên Di Sản Các Nhà Khoa Học Việt Nam nằm ở Cao Phong (Hoà Bình), cách Thủ đô Hà Nội 90km, cách thành phố Hòa Bình 20 km (nếu bạn di chuyển theo đường Quốc lộ 6 hướng đi Sơn La). Với diện tích xấp xỉ 30 ha, công viên hiện đang nằm trong tốp những địa điểm hàng đầu, hấp dẫn nhất Tây Bắc.

Đến đây, bạn sẽ được tìm hiểu về các nhà khoa học trên khắp Việt Nam. Nơi đây, hiện đang lưu trữ hàng triệu di sản vật thể và phi vật thể của hàng ngàn các nhà khoa học Việt Nam như: GS Tôn Thất Tùng, GS Trần Đại Nghĩa, GS Nguyễn Văn Nhân, GS Hồ Đắc Di…

Không những vậy, công viên Meddom còn là sự kết hợp hài hòa giữa phong cảnh tự nhiên phong phú với nét quyến rũ mộc mạc của núi rừng Tây Bắc, cùng sự độc đáo riêng có của Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Hãy cùng theo chân cô BTV Hà Linh khi cùng Ekip của mình đến đây thực hiện chương trình và gặp gỡ Giáo Sư – Tiến Sĩ – thầy Nguyễn Anh Trí – người đứng sau công trình này:

“Tôi vẫn nhớ ngày ấy, khi cả nhà mang tất cả đồ đạc, giấy tờ của Nội để gửi cho Nội ở thế giới bên kia, tôi cũng ngồi và lặng lẽ giữ lại một số. Trong đó có những mảnh thư từ, thơ từ thời chiến của Nội và đồng đội; giấy tờ của Ông Cố gửi gắm lại cho hai người con trai, trong đó có nội tôi; hay cả sổ học bạ của ba tôi lúc học tiểu học, của họ hàng. Tôi giữ lại, và gọi đó là DI SẢN GIA ĐÌNH.

Nhìn chữ thấy người. Và một điều thật hay, chữ của Ông Cố, Ông Nội, chữ của Ba hay tôi hiện nay cứ giông giống thế nào…. Dù chưa tìm hiểu vì sao như thế, nhưng tôi cũng thấy đó là một điều kì diệu của gia đình.

Rằm tháng 11 năm nay, tôi nhớ mãi một ngày công tác tại Cao Phong – Hòa Bình, chính xác nơi tôi đến là MEDDOM đây là tên gọi của CÔNG VIÊN DI SẢN CÁC NHÀ KHOA HỌC VIỆT NAM, một công viên quá đặc biệt mà đến tận bây giờ tôi mới có cơ duyên biết đến.

Tại đây, tôi có dịp cùng những người đồng nghiệp đáng quý dành trọn thời gian để tìm tham quan và tìm hiểu về những di sản của Việt Nam mình. Nếu bình thường tôi vui đùa hay bay nhảy như chích chòe bông, thì hôm ấy cô bé ngáo ngơ lên công viên bỗng im thin thít và chỉ dám ngắm nhìn. Tôi đã chụp lại tất cả những kí ức quý giá này bằng đôi mắt, cảm nhận thật sâu bằng trái tim.

CÔNG VIÊN DI SẢN CÁC NHÀ KHOA HỌC VIỆT NAM – nơi lưu giữ hàng triệu tài liệu hiện vật của gần 5.000 nhà khoa học. Tôi vừa đi vừa nhìn từng bút tích, kỉ vật, hồi tưởng lại những tháng ngày gian khó, vất vả của các nhà khoa học, tháng ngày kỉ luật bản thân với tinh thần thép, ý chí vàng, tôi luyện, sáng tạo và đưa đến với cuộc đời những giá trị sống mãi với thời gian.

Tôi chỉ biết lặng im, đi theo Thầy Nguyễn Anh Trí để nghe và chỉ để nghe… Nghe quá trình Thầy cùng những người đồng nghiệp đến từng nhà, liên hệ từng địa chỉ, để làm hồ sơ DI SẢN cho các nhà Khoa học, quá trình liên hệ, kết nối đã khó khăn, việc bảo tồn lưu trữ với tiêu chuẩn Quốc Tế cũng không kém phần gian truân và cần nhiều lắm sự kiên trì và tâm huyết.

Thầy bảo thầy là NGƯỜI GIÀU CÓ NHẤT, vì biết bao DI SẢN được tin tưởng tuyệt đối để trao gửi lại đây, tôi đứng bên cũng cảm nhận được hạnh phúc lan tỏa, vì niềm vui rạng ngời ấy thật ấm áp và nhân văn.

Lúc sắp về khi bước trên cầu cùng thầy, không hiểu sao tôi nghẹn ngào quá, không biết nói gì, mắt cứ rưng rưng. Tôi thành thật khai với THẦY ” thầy ơi con LƯỜI lắm, con lên đây con XẤU HỔ quá”. Thầy chỉ cười và chỉ cười thôi…

Biết là ngòi bút của mình còn non và chỉ toàn viết linh tinh chuyện gà bông trước giờ, nhưng nay tôi mạnh dạn viết vài dòng để nhắc nhớ bản thân. Hành trình còn dài, cuộc đời còn nhiều món quà quý giá. Xin để đây và mãi nhớ về MEDDOM – CÔNG VIÊN DI SẢN CÁC NHÀ KHOA HỌC VIỆT NAM  VÀ NGƯỜI THẦY VĨ ĐẠI – Giáo Sư – Tiến Sĩ – Anh Hùng Lao Động Nguyễn Anh Trí.

P/s: Một lần nữa em xin cảm ơn anh chị tạo điều kiện cho em theo học hỏi Lan Nguyen, KaChju Sa. Em gái hứa học hành chăm ngoan, sớm trưởng thành cho anh chị bớt vất vả”.

Thầy nói về giấc mơ và tảng đá ” Dấu Ấn Thần Đồng” và tôi cũng hết sức vinh hạnh đứng bên canh một Thần Đồng nước Việt 
Trước tòa nhà Quyển Sách, với thiết kế là một quyển sách mở ra biết bao điều thú vị, đây cũng là nơi lưu trữ, gìn giữ những di sản của các nhà khoa học Việt Nam
Chiếc cầu bắc con suối Vàng, nhưng hôm ấy xanh ngọc nên thơ… Thầy bảo con đứng đây thầy chụp cho, chỗ này cháu gái thầy đứng nè… đưa tay lên, chỉnh cái này cho đẹp. Tách tách có ngay ảnh xinh cho Linh.
Thầy bảo cô Linh qua đây chụp với Thầy. Mình đã cười không thấy mặt trời đâu, vì niềm vui hân hoan như một cháu gái nhỏ..
Trước tòa nhà Quyển Sách, với thiết kế là một quyển sách mở ra biết bao điều thú vị, đây cũng là nơi lưu trữ, gìn giữ những di sản của các nhà khoa học Việt Nam
Nè, tòa nhà cuốn sách…
và đây là ekip của Linh.
Khách quý sẽ được ăn tiệc ở tòa nhà Vương Miện đó nghen. Ở đây có món lẩu Di Sản ngon lắm, rau ăn kèm là hoa tam giác mạch, cùng với các loại rau rừng của Cao Phong.
Thầy gửi ảnh và không quên note lại “Thầy gửi ảnh xinh đẹp của con, thầy lọc sẵn rồi, con chỉ lấy thôi và đăng thôi 😃“.
Cảm ơn anh thợ ảnh đã bắt được khoảnh khắc Hà Linh xúc động ngẩn ngơ
Thầy và con 

Tác giả: Biên Tập Viên Hà Linh – hiện đang công tác tại VTV và VTC10 (Hà Linh Voice Talent) viết khi có chuyến công tác và làm việc tại Công Viên Di Sản Các Nhà Khoa Học Việt Nam

Thông tin về công viên:
Giờ mở cửa 8:00 đến 17:30
Địa chỉ: Xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình
VPĐD: Số 12, liền kề 38, KĐT Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội
Email: info.cvds@yahoo.com
Hotline: 0844 56 56 56

No Comments

    Leave a Reply