Menu
Travel with Lien

Amazing Thai Land: ngược đường về thăm cố đô Ayutthaya

Một ngày mưa tháng 10 ở Bangkok, tôi ngược đường 80km về lại Ayutthaya, vùng đất từng là một trong 5 kinh đô của người Thái. Mưa không lớn nhưng rấm rức từ sáng đến chiều. Nhưng có hề gì, tôi đang thỏa mãn vì được đứng ngập chìm giữa các đền đài cổ.

Hồi xưa thi vào khoa lịch sử chỉ là vì mê mấy cái Kim tự tháp trong truyện Nữ Hoàng Ai Cập. Lúc học lớp 6, vớ được một tờ tạp chí khoa học viết về đền Bayon (Angkor Wat, Campuchia) thì cái “thèm đền” trong người nó lại càng “điên” hơn. Thế rồi càng lớn, cứ đền đài nào cổ gắn với các nền văn hóa lớn từng bị phá hủy là mê tất. Tôi muốn lắng nghe những câu chuyện xảy ra tự ngàn xưa.
Lần này đi Thái, dù cho lên rừng xuống biển cỡ nào, tôi cũng nhất định phải đến được Ayutthaya, nơi có bức tượng mặt Phật trong rễ cây!

Xem thêm: hướng dẫn đi Ayutthaya từ Bangkok


Xe chúng tôi rời Bangkok vào sáng sớm lúc tầm 7h30 và bắt đầu lên đường. Dừng chân tại trạm nghỉ để ăn sáng rồi xuất phát tiến đến vùng đồng bằng miền Trung đất Thái. Nơi con sông Chao Phraya gặp sông Lopburi và sông Pa Sak.

Ayutthaya – kinh đô cũ của vương quốc Ayutthaya (một phần Thái Lan ngày nay)

*Tham khảo: tour tham quan cố đô Ayuttaya 

Những bức tượng Phật được thu nhặt lại: tượng bị mất tay, tượng bị cụt đầu

Ayutthaya cách Bangkok khoảng 80km, là kinh đô cũ của vương quốc Ayutthaya. Thời cực thịnh, lãnh thổ nước này mở rộng gần trùng với Thái Lan ngày nay, trừ phần vương quốc Lanna (tức địa phận Chiang Mai, Chiang Rai… hiện tại).

Tôi đứng đó giữa những tòa đền đài cổ đổ nát, lòng buồn khôn tả. Tiếc thay cho một đế chế, một kinh đô rực rỡ huy hoàng. Nó đã biến mất chỉ trong một đêm.

Ayutthaya đã một thời rất hưng thịnh trong khoảng 400 năm (1351 – 1767) và là một trong những quốc gia mạnh nhất Đông Nam Á lúc đó. Tương truyền khi sứ giả Pháp đến và trở về đã mô tả Ayutthaya phát triển rực rỡ không kém gì Paris lúc ấy.


Được bao bọc bởi 3 con sông, kinh đô này cũng trở thành một nơi lí tưởng để giao thương buôn bán với nước ngoài. Đây là nơi tập trung ưa thích của nhiều thương nhân trên thế giới như Ả Rập, Trung Quốc, Ấn Độ, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Hà Lan và Pháp. Bởi vậy, khi toàn bộ thành phố bị phá hủy đã đem đến một tổn thất lớn của nhân loại.

Suốt 400 năm tồn tại cũng là thời gian người Thái và Miến Điện luôn xảy ra các cuộc chiến tranh. Cho đến năm 1767 thì Ayutthaya bị quân Miến Điện vượt thành đánh úp. Chiếm được xong là phụ nữ bị bắt đi còn đàn ông, già, trẻ, lớn bé bị tàn sát hết. Chùa chiền đền đài thì bị đốt bỏ. Bởi thế nên mới có những đền đài loang lổ, đổ sụp, nhiều bức tượng thì bị mất tay, tượng thì bị chặt đầu… Đứng ở đây, nhìn thấy cả ngàn năm lịch sử đang hiện ra trước mắt như một cuộn phim.

khi Ayutthaya bị quân Miến Điện vượt thành đánh úp, toàn bộ thành quách đền đài đều bị phá hủy theo

Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu Ayutthaya là kinh đô của nước yếu và bị đánh chiếm. Đau lòng là ở chỗ Siam so với Miến Điện hồi đó cũng là ngang ngửa. Hai nước này đánh nhau suốt cả 400 năm!

Một bức tượng Phật bị mất đầu và tay

Vua U Thong chọn Ayutthaya – vùng đất miền Trung không có núi, trũng và dễ ngập nước này là bởi tại đây có sự gặp gỡ của các con sông tự nhiên bao quanh vùng trung tâm. Đóng đô tại cù lao này. Vậy là có thể lợi dụng địa thế tự nhiên làm thành hào bao quanh thành. Cứ đến mùa mưa là nước lại dâng lên cao đáng kể.
(Đây là lí do vì sao cho đến ngày nay, người dân ở Ayuttaya vẫn làm nhà cao lên để tránh lũ. Mới thấy là tôi nghĩ ngay tới kiểu nhà ở một số tỉnh miền Tây Nam Bộ Việt Nam). Quân Miến Điện thì chuyên mang quân đi đánh nhau bằng voi. Nước dâng lên cao như vậy, sao voi có thể lội qua mà đánh thành được?

Thế là bao nhiêu năm thâm thù, năm nào quân Miến Điện cũng bao vây thành hòng hạ Ayutthaya nhưng không được.
Cho đến năm cuối cùng, giống như số trời đã định, tự nhiên năm đó nước xuống thấp hẳn. Quân Miến Điện đóng bên ngoài thành của Ayuttaya đã kiên nhẫn chờ đến tháng này là tháng thứ 5. Cuối cùng nước xuống nên xông vào đánh úp thành quách của vua tôi Siam.

Do không thể ở lại và chiếm dụng luôn đất này làm của mình, vua Miến Điện đã tàn sát và đốt sạch mọi thứ tại đây. Về sau, một tướng người Thái gốc Hoa tên là Taksin, đứng lên chống quân Miến Điện giành lại độc lập. Do không thể phục hồi Ayutthaya nên ông đã dời đô về Thonburi, bên bờ sông Chao Phaya, đối diện với Bangkok.

Năm 1782, Vua Rama I của vương triều Chakri lên ngôi và chọn Bangkok để đóng đô và bắt đầu xây dựng lại chùa chiền, tạo dựng lại một kinh đô mới.

Ngày nay du khách đến Ayutthaya sẽ nhìn thấy những đền đài, thành quách cũ với quy mô vô cùng lớn, cho thấy một kinh đô cổ đã từng phát triển rất rực rỡ xưa kia.

Ghé thăm Cung điện mùa hè

Cũng trong chuyến đi hôm ấy, tôi ghé thăm Cung Điện Mùa Hè. Cách Ayutthaya 20km về phía Bắc, Bang Pa-In Royal Palace được mệnh danh là “Cung điện mùa hè”, nơi nghỉ dưỡng ưa thích của hoàng gia Thái.

Cung điện đầu tiên được xây dựng từ thế kỉ 17 trong thời Ayutthaya còn thịnh vượng. Tuy nhiên sau khi bị tấn công và phá hủy, Bang Pa-In chỉ còn là đống hoang tàn và bị quên lãng trong gần một thế kỷ. Cho tới năm 1901, triều đại vua Mongkut (Rama IV), cung điện được phát hiện và khôi phục.

Cách Ayutthaya 20km về phía Bắc, Bang Pa-In Royal Palace được mệnh danh là “Cung điện mùa hè” của Hoàng gia Thái Lan, nơi nghỉ dưỡng ưa thích của nhà vua cùng hoàng hậu, các phi tần.

Cung điện đầu tiên được xây dựng từ thế kỉ 17 trong thời Ayutthaya còn thịnh vượng. Tuy nhiên sau khi bị tấn công và phá hủy, Bang Pa-In chỉ còn là đống hoang tàn và bị quên lãng đi trong gần một thế kỷ.

Nơi đây lần lượt được xây dựng và hoàn thiện thêm nhờ vua Rama V. Rama V là người thích du lịch và có niềm đam mê rất lớn với ngành kiến trúc.  Do đó kiến trúc trong cung điện hầu như đều mang hơi thở của thế kỉ 19 và nhiều nét Châu Âu.

Một anh cảnh vệ trong cung điện

cung điện mở cửa cho khách tham quan từ 8am – 5pm. Giá vé vào cổng: 50 baht.

Đài Quan Sát để thưởng thức vẻ đẹp của Bang Pa- In

Bậc cầu thang xoắn ốc đi lên đỉnh tháp quan sát

Từ trên Đài Quan Sát

Phong cảnh tuyệt đẹp của khu vườn tráng lệ mang phong cách Versailles.nhìn từ trên cao

Góc nhìn xuống tòa nhà  mang thiết kế Trung Hoa – Phra Thinang Wehart Chamrun. Đây là món quà Trung Quốc tặng vua Chulalongkorn năm 1889. Tên của nó có nghĩa là “ánh sáng từ thiên đường”.

Một cặp đôi người Srilankar trong Phra Thinang Wehart Chamrun

Một số thông tin thêm

*Nói một chút về quân đội của Ayutthaya hồi đó (theo giải thích của bác hướng dẫn viên):

Quân Ayutthaya thường đánh trận bằng voi. Hay còn gọi là tượng binh. Do voi là lực lượng chính của đội quân này nên luôn được chăm sóc, bảo vệ rất kĩ trong cả lúc chiến đấu. Khi ra trận, quân địch thường nhằm vào voi mà đánh. Voi chết đồng nghĩa với mất ưu thế, dễ dẫn đến thua trận.  Do đó một anh voi chiến sẽ có tất cả 7 người đi kèm. Trong đó một người là tướng ngồi trên ngai/ lọng; một người lính sẽ “chăm sóc” đầu voi, một người lính “chăm sóc” phần đuôi voi. Bốn người còn lại, mỗi người sẽ “chăm sóc 1 chân voi!

– Vậy lúc chiến đấu, voi sẽ đi lại, làm sao tránh khỏi việc voi dẫm chết hay làm bị thương 1 trong 4 người lính còn lại?
Trả lời:
– Đó là điều không thể tránh khỏi. Ai cũng biết trước điều đó, nhưng người Thái nguyện hi sinh thân mình để bảo vệ quê hương!
Đáp lời tôi, người hướng dẫn viên già đưa mắt nhìn xa xăm…

Nếu ngày xưa voi đóng vai trò trất quan trọng trong quân đội Ayutthaya thì ngày nay, voi được dùng để phục vụ khách du lịch

* Bayon là ngôi đền huyền bí nhất Campuchia – nơi có những bức tượng Phật 4 mặt đều là mặt cười bí ẩn kì lạ. Cho đến bây giờ, người ta vẫn chưa hiểu những gương mặt cười này có dụng ý gì.

* Tượng mặt Phật trong rễ cây tại chùa Wat Mahattat:
Đây nguyên là một cái đầu tượng Phật bị rơi ra từ bức tượng, trong quá trình quân lính giằng co, đánh nhau trong 1 trận chiến. Rơi vào gốc cây sung, không ngờ tượng Phật không những không bị hư hại mà còn được rễ cây bao bọc cho tới nay. Cho thấy một sức sống vô cùng mãnh liệt và thần bí của mảnh đất này!

Cuối cùng tôi đã xem được bức tượng mặt Phật trong rễ cây huyền thoại tại Wat Mahathat.

*Tướng Taksin sau đó lên làm vua nhưng rồi được tuyên bố là bị điên và bị truất ngôi. Nếu mình nhớ không nhầm thì vì vị này sau khi chiến thắng quân Miến Điện, cái máu giết người đã ngấm vào người nên trở thành một người rất độc ác. Giết người như ngoé, do đó bị coi là mắc bệnh tâm thần và bị truất ngôi.

* Từ năm 1782 đến nay, vương triều Chakri vẫn tồn tại cho đến đời vua thứ 10. Năm ngoái Quốc vương Thái Lan Rama XI Bhumibol Adulyadej – vị vua vô cùng tài giỏi và rất được nhân dân Thái Lan biết ơn, kính trọng đã qua đời, để lại nhiều nuối tiếc cho người ở lại.

Một số hình ảnh trong chuyến đi:

Tượng Phật nằm

Du khách đính đồng tiền xu lên bàn chân của đức Phật để cầu may mắn

Chèn vào vài tấm hình  để đánh một chuyện rất nhọ, ấy là tự ôm máy đi tung tăng các kiểu, tự set up rồi canh bấm 5s. Sau đó là hớt hải chạy ra trước góc máy đã canh cho kịp giờ máy đánh “tách”.

Để đặt tour này thì bạn có thể đặt tại website Trippy.vn để tiết kiệm chi phí (các web nước ngoài thì bạn cần dùng thẻ thanh toán quốc tế, sẽ bị charge thêm phí, đồng thời đôi khi còn bị trừ thêm phí booking online. Tóm lại tổng cộng thì rất mắc).

Bạn có thể đặt tour đi tham quan Ayutthaya ở link này:

https://trippy.vn/tour/tour-tham-quan-co-do-ayutthaya-khoi-hanh-tu-bangkok.html

No Comments

    Leave a Reply