Chào cả nhà, chủ nhật tuần rồi mình ra Đà Nẵng tham dự DNIM 2018, bay về trong buổi chiều thì sáng hôm sau mình lại lượn đi miền Tây luôn. Gấp gáp như vậy vì đây chính là thời điểm bắt đầu mùa nước nổi ở miền Tây, không đi thì lỡ mất thời gian đẹp nhất của mùa nước lên.

Đường vào làng Chăm Đa Phước ở An Giang. Đi trên cầu này mà đi đoàn đông đừng có dại mà dừng lại nhé, cầu không tải nổi trọng lượng của các bạn, sẽ sập đấy :v
Mà công nhận thiệt tình. Dù đã đi miền Tây nhiều lần, kể cả đạp xe qua 10 tỉnh miền Tây nhưng lần này mới biết mấy chỗ đẹp ghê luôn. Chả là lần này mình đi tour miền Tây 3 ngày 2 đêm (Mỹ Tho – Bến Tre – Cần Thơ – Châu Đốc).

Hình tui

Và hình bạn tui, huhu
Mình sẽ từ từ review tour này lần lượt bằng hình ảnh với clip nhá.
Lên đường
Sáng thứ 2 lục tục dậy sớm, ăn sáng, book grab đến địa chỉ đón khách ở 220 Đề Thám. Tầm 8:00 xe bắt đầu đón khách và lên đường. Vì là vào thứ 2 nên khách Tây là phần lớn, tour mình đi chỉ có một cặp vợ chồng người Việt. Sở dĩ như vậy bởi đây là trong tuần. Bạn muốn đi tour có nhiều người Việt để được thuyết minh bằng tiếng Việt thì nên đi tour 2 ngày cuối tuần nhé, đông lắm luôn.
Trải nghiệm đầu tiên là đi xuống ba lá trên kênh rạch miền Tây, bên những hàng dừa nước. Tuy nhiên đối với bản thân mình thì điểm nhấn của ngày đầu tiên thì NHẤT ĐỊNH phải kể đến là Chùa Vĩnh Tràng. Ngôi chùa có kiến trúc giao thoa Đông – Tây độc đáo này có phong cảnh và kiến trúc tuyệt đẹp.
Đến chùa Vĩnh Tràng ở Tiền Giang, bạn nhất định phải tranh thủ chụp mấy pô ảnh check in sống ảo nhé. Vì cảnh ở đây thiệt sự là quá đẹp.
Vui quá vui nên mình rảnh mình làm thợ chụp hình cho mấy bạn này luôn. Nhóm bạn này là người Philippines sang Ziệt Nam du lịch. Cái cậu mang giày trắng vui tính dễ sợ. Thấy mình đem máy ra nói và quay clip thì bạn hỏi lia lịa:
– Ế, mài là nhà báo hả, tao thấy mài cứ quay phim chụp ảnh hoài? Hay mài làm blogger?
– M đang đi chơi hay đi làm đấy. Ủa mài đi làm hả?
– Tao thấy công việc của mài thật là vi diệu. Tao thích công việc của mài quá, enjoy quá…
Thế là cả mấy đứa bô lô ba la suốt chặng đường. Nói chuyện với nhau khá hợp mà khi đó không lấy contact facebook của nhau, chỉ kịp ghi lại cho các bạn địa chỉ blog của mình và địa chỉ web công ty thôi. Hi vọng các bạn tự vô đây kiếm được hình nhé :))
(Update: cuối cùng thì các bạn ý vô blog mình rồi tìm được fb mình, add lum la thiệt các cậu ạ).
Buổi chiều thì xe rời chùa Vĩnh Tràng, lên đường xuất phát về Cần Thơ nhận phòng khách sạn. Buổi tối mọi người tự do đi ăn uống, nghỉ ngơi, tham quan. Bữa tối này tụi mình tự túc vì không có bao gồm trong chương trình tour.
Bởi vậy mới có dịp đi ăn thử lẩu vịt nấu chao Thành Giao nổi tiếng trong showbis. Quán được rất nhiều nghệ sĩ như Hoài Linh, Đông Nhi, Ông Cao Thắng… ghé thăm mỗi dịp đến Cần Thơ.
Quán ở địa chỉ số 1/8 Lý Tự Trọng, P. An Phú, Quận Ninh Kiều, Cần Thơ.
Còn đây là món thịt chuột nướng nổi tiếng của bà con miền Tây, có ngay tại quán vịt nấu chao Thành Giao luôn.
Buổi tối ở Cần Thơ, ăn uống các kiểu xong thì tranh thủ đi dạo ra cầu đi bộ bến Ninh Kiều. Ngưỡng mộ cô Duyên với chú Minh. 2 vợ chồng chú đến từ Quảng Ninh. Một người 60 tuổi, một người đã 64 tuổi mà tình cảm vẫn còn nồng thắm mặn mà như đi nghỉ tuần trăng mật.
Ngày 2: Ghé Cần Thơ, đi chợ nổi Cái Răng, đi đạp xe, vào thăm lò Hủ tiếu
Sáng sớm ngày thứ 2, sau khi ăn sáng thì tụi mình di chuyển đi chợ nổi Cái Răng vầ sau đó thì đạp xe vào tham quan làng sinh thái mát rượi.
Cặp vợ chồng Neeta đến từ nước Anh.
Chợ nổi Cái Răng đã ra đời và họp chợ từ rất lâu bởi nhu cầu trao đổi, buôn bán các sản vật của miền Tây với các nơi khác. Đến Chợ Nổi Cái Răng, du khách sẽ ngạc nhiên vì những chiếc thuyền to, nhỏ đậu san sát nhau để mua sản vật về bỏ mối ở các nơi. Trước kia, chợ nổi Cái Răng hầu như chỉ bán sỉ, giờ đây ngày càng xuất hiện những chiếc thuyền nhỏ để phục vụ nhu cầu cho khách du lịch và bà con hoạt động trên sông.
Chính vì vậy, ghé thăm chợ nổi Cái Răng, du khách sẽ bắt gặp những chiếc thuyền máy là là mặt nước rao bán đủ món trái cây như dừa, sầu riêng, măng cụt, nhãn, xoài, chuối, thơm, dưa hấu… Thỉnh thoảng sẽ có những chiếc ghe bán cà phê, hủ tiếu, đồ ăn sáng, đồ nhậu… dập dềnh trên sông.
Đạp xe vào làng sinh thái xem cái cây đã 156 tuổi.
Rời chợ nổi, đoàn sẽ tiếp tục di chuyển đến một ngôi làng sinh thái với bóng cây mát rượi. Tại bạn có thể thuê xe đạp hoặc đi bộ dạo quanh làng để tham quan, thưởng thức không khí trong lành mát rượi. Đích đến của cung đường sẽ là một di tích quốc gia – cây cổ thụ với hơn 156 tuổi đời với bộ rễ khổng lồ lòa xòa mặt đất. Được biết đây cũng chính là nơi từng là căn cứ cách mạng.
Một chiếc xe đạp thuê một lượt là 50k nhé. Tuy nhiên mùa này đường khá trơn, nên đi cẩn thận. Mình mặc váy nên không đi xe đạp được, đành ngồi ké.
Dắt chiếc xe đạp qua cầu, cô Duyên – chú Minh cứ như đang quay về hẹn hò thuở 18 đôi mươi
Cảnh trong làng nói chung là rất đẹp, có nhiều góc sống ảo.
p/s: Ai nói với mài là miền Tây không có gì hay hả Liên. Pizza hủ tiếu ngon bá cháy. 50k/phần 2 người ăn no. Có thể mua mang theo như và để được 3 tiếng đồng hồ nhen Liên.
Ngày 3: Ghé thăm làng Chăm Đa Phước ở An Giang
Ngày hôm nay thì tụi mình ghé thăm Làng cá bè Châu Đốc và tiếp đó là làng Chăm Đa Phước ở An Giang. Đồng bào Chăm ở đây theo Islam giáo (Hồi Giáo), khác với đồng bào Chăm ở Ninh Thuận theo đạo Bà Ni (hay Hồi Giáo Bà Ni). Sự khác biệt này nằm trong trang phục, các nghi lễ tôn giáo, tập tục hằng ngày rất rõ ràng. Nếu có dịp thì bạn có thể tìm hiểu thêm qua sách báo, internet nhé (rất thú vị).
Ngoài làng Chăm Đa Phước ở huyện An Phú (tỉnh An Giang) xung quanh khu vực này còn có nhiều làng Chăm khác như làng Chăm Châu Giang, làng Chăm Châu Long… tóm lại có đến tận 7 làng Chăm như vậy. Làng nào cũng có tới 1 hoặc 2 thánh đường để cầu nguyện. (Do đó nếu muốn tìm hiểu hay trải nghiệm không khí của Hồi Giáo, nếu chưa có điều kiện đi các nước Trung Đông, ghé Dubai hay ghé nước Hồi Giáo ở Đông Nam Á thì bạn có thể về An Giang tìm hiểu lối sống tập tục của những người này!
Một số tập tục chủ yếu của đồng bào Chăm Hồi Giáo ở An Giang:
*Mỗi năm phải thực hiện Tháng Ramadal (Tháng nhịn ăn)
*Cầu nguyện 5 lần/ngày
*Kiêng ăn thịt heo, một số ít còn ăn bốc
*Cấm cung đối với các cô gái Chăm từ tuổi dậy thì đến khi lấy chồng (riêng tập tục này ngày nay đã được xoá bỏ, phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội).
Các thiếu nữ lúc nào cũng có chiếc khăn choàng đầu được thả lơi hoặc cột gọn bao trùm mái tóc với những họa tiết, hoa văn rất trang nhã.
Đàn ông thì mặc xà-rông kẻ sọc ca-rô, áo sơ-mi… và lúc nào cũng có chiếc nón vải tròn đội đầu.
Xà rông của đàn ông thì gọi là chăn. Xà rông của phụ nữ thì gọi là váy…
Một ngày trải nghiệm làm cô gái Chăm Islam ở An Giang
Không chê em nghèo thì lên xe em đèo 
Trong hành trình, có buổi tối thứ 2, đoàn sẽ ngủ lại ở Châu Đốc. Buổi tối này mọi người được tự do tiếp nên hãy tranh thủ ra ngoài, đi chợ đêm, đi ăn uống và ngắm cảnh thành phố nhé. Đặc biệt, trên đường đi, bạn sẽ may mắn được nhìn thấy những chiếc xe lôi độc đáo.
Trong clip dưới đây là hình ảnh mình đi xe lôi. Loại xe này hiện chỉ có ở Châu Đốc, Hà Tiên, đã từng rất phổ biến ở miền Tây từ thời Pháp thuộc. Loại xe này đã bị cấm theo luật giao thông nhưng ở đây không cấm nổi vì nó đã là 1 phương tiện hàng ngày quá quen thuộc, đem lại miếng cơm manh áo cho người dân tại đây.
https://www.facebook.com/LienPham.Goccualien/videos/1935880809791670/?t=15
Hỏi chuyện với anh tài xế, trò qua chuyện lại thì mình được biết một chiếc xe này có giá 7 triệu các anh chị ạ. Thường thì người ta không bán nguyên con mà phải lên Gò, chỗ chợ biên giới mua về ráp, sau đó cái thùng phía sau thì đem cho thợ lắp thêm vào.
Nhìn kĩ thì thấy những chiếc xe đạp này có bánh xe nhỏ xíu, đặc ruột (cảm giác y như xe đua của mấy bé richkid ở TP. ấy chớ không phải chơi đâu kaka), có dùng thêm ổ khóa để chống trộm. Xe này ngồi tối đa được 5 người, “nếu là người Châu Đốc” – biết cách ngồi thì sẽ ngồi được 6 người một lúc ạ.
Sau khi thực hiện màn ngoại giao ngay tại quán bún mắm, Liên đã xin được một chân phụ xe nên giờ có thêm nghề mới rồi. Ai ghé Châu Đốc nhớ ủng hộ ngen
Clip full không che review hành trình vô tham quan Rừng Tràm Trà Sư
Ghé thăm Rừng Tràm Trà Sư, du khách sẽ thấy được sự gìn giữ của người dân nơi đây với món quà sông nước mà thiên nhiên ban tặng. Lần đầu tiên, mình được ngắm những thảm bèo xanh mướt tuyệt đẹp đan kết vào nhau thành những mảng lớn dày đặc. Cảnh những bông sen bông súng chen chúc nhau vươn lê nở rộ trên mặt nước xanh ngắt… đặc biệt là khi ngồi xuồng ba lá, vào sâu trong lõi rừng tràm.
https://www.youtube.com/watch?v=Z-ZHrwU6ucU
Đi chuyến này về, mềnh đang ra sức vận động anh chị nhà mềnh đi chuyến 3 ngày cho biết vì 3 ngày mới đi đến được những chỗ đẹp nhất (xa nhất).

Chiếc xuồng 3 lá sẽ đưa bạn vào sâu trong lõi rừng Tràm Trà Sư
Update thêm thông tin về ăn uống
- Đêm thứ nhất ở Cần Thơ, bạn có thể tìm đến quán vịt nấu chao Thành Giao, ăn món đó (lẩu), rồi kêu các món khác như chuột nướng.v.v… Ăn xong thì ra chợ đêm Trần Phú. Hoặc ra chợ đêm Trần Phú ăn luôn cũng được. Sau đó bạn có thể mua chè, trái cây mang theo, lên cầu đi bộ bến Ninh Kiều ngắm cảnh, hóng gió. Ngoài ra ở Cần Thơ thì bạn có thể tìm ăn thử món “bún gỏi già” độc đáo nhé.
- Tối thứ 2 ở Châu Đốc, từ khách sạn Hải Châu đi xuống phía tay trái là chợ Châu Đốc, đi dọc hướng đó có nhiều quán ăn. Bạn có thể vào đại một quán, kêu thử bún mắm Châu Đốc, hoặc mấy món bạn thích. Có thể hỏi menu có những món gì thì chọn (các món có cá linh, bông điên điển… ở đó rất phổ biến).
Đừng quên nếm thử món bún mắm Châu Đốc – là món đặc sản không thể bỏ qua của nơi đây. Canh chua bông điên điển hay lẩu cá linh cũng lại là những món đặc trưng khác của xứ bưng biền miền Tây mà du khách chỉ có dịp thưởng thức vào mùa nước nổi.
Bữa sáng – món bánh mì + trứng omelet ở khách sạn Huỳnh Lạc – Cần Thơ
Nếu bạn nào có nhu cầu dắt cả nhà đi chơi, trải nghiệm như mềnh thì đặt tour ở Trippy.vn hoặc https://tourdulichmientay.vn/tours/tour-mien-tay.
2 Comments
Thuận
21/08/2019 at 2:58 sángCho em hỏi chị book tour bên nào vậy ah? em cám ơn nhiều
Thùy Liên
21/08/2019 at 4:02 sángMình book tour của trippy.vn bạn nhé. Link tour nè bạn. Tầm này đi là đẹp ấy
https://trippy.vn/tour/tour-mien-tay-mua-nuoc-noi.html