Chu cha là trời đất! Phải đợi đến ngày cuối năm mới có thời gian ngồi viết lại đôi dòng về nước Nhật và những điều bỡ ngỡ khi mình lần đầu đặt chân sang đây!
Chuyến đi Nhật hồi ấy cách nay cũng đã nửa năm. Lúc mình đi là tháng 6 mùa hè. Mình chọn đi mùa hè vì muốn lên núi Phú Sĩ trong điều kiện thời tiết tốt nhất (lên được điểm xa nhất có thể lên – 5.St). Vả lại cũng muốn đi mùa hè coi cái Nhật Bản mùa này phong cảnh ra sao, khác thế nào với những hình ảnh mùa thu, mùa đông, mùa xuân trên các bìa báo, tạp chí.
Mà cũng do có người dụ dỗ: Nhật Bản vào mùa hè vẫn đẹp cơ! Thêm nữa là mùa hè là mùa vắng khách du lịch nhất ở Nhật Bản, do đó giá cả các dịch vụ từ vé máy bay, khách sạn, ăn uống này kia nhìn chung sẽ rẻ hơn các mùa khác. Khách đến Nhật Bản mùa hè không nhiều thì các địa điểm tham quan du lịch sẽ bớt đông đúc, bớt chen chúc và bớt chật chội hơn. Điều này khiến mình cảm thấy thoải mái hơn, vì mình rất ghét đông đúc.
Nếu bạn hỏi điều ấn tượng lớn nhất của mình về nước Nhật là gì, với những ấn tượng qua mắt nhìn thì mình sẽ nói: đó là “đất nước bước ra từ trong truyện tranh”.
Nếu tất cả các tấm hình của mình có thể kể chuyện, thì đầu tiên mình sẽ chọn bức ảnh mình đang đứng sải chân trên con phố Akihabara – thiên đường của đồ điện tử và cũng là thiên đường của các Otaku ở Tokyo (Nhật Bản).
Nhìn không gian xung quanh, mọi thứ kiểu như trong một cuốn truyện tranh hay pano, áp phích vậy. Cơ mà thực sự ở Tokyo có một con phố như thế. Tất cả mọi thứ đều giống trong truyện tranh: Những chàng trai để tóc dài lòa xòa lãng tử, những cô gái mỏng manh thanh tao trong các bộ trang phục cầu kì không thấy tại một xu hướng nào trên thế giới.
Trên đường phố, vào buổi trưa, từng đoàn người mặc quần áo văn phòng y hệt nhau bước rất nhanh, tản vào các điểm ăn trưa. Trên tàu điện ngầm, những chàng trai trẻ măng, cũng với những mái tóc lòa xòa lãng tử nhưng lại mặc đồ vest công sở trông thiệt là… chẹp chẹp.
Quan sát kỹ hơn, dòm xuống chân thấy ai ai cũng đi giày thể thao, từ nam cho tới nữ, từ già cho tới trẻ (trừ dân văn phòng). Điều này thì chắc dễ hiểu, ở đây người ta đi bộ nhanh lắm và đi bộ nhiều lắm.
Rời thành phố, ngồi trên ô tô đi về miền quê mình cũng tranh thủ căng mắt để quan sát. Khi qua một ngôi làng ở ngoại ô thành phố, từ trên cao nhìn xuống, mình thấy những ngôi nhà nhỏ nhắn gọn gàng nằm liền kề nhau. Những ngôi nhà được quy hoạch theo một kiểu đồng đều, luôn chừa một không gian xung quanh khá rộng rãi.
Tiếp đó, mình lại thấy những chiếc ô tô 4 chỗ nhỏ xíu tròn xinh màu hồng phấn, màu xanh nhạt… nằm bên nhau theo lối rất quy củ. Kiểm tra lại những mảng màu trong trí nhớ, à thì ra đây là những gì mình đã từng thấy qua cuốn truyện Doraemon gối đầu giường.
Một điều thú vị khác là người Nhật sử dụng phương tiện giao thông hoặc đi lại đều bên tay trái. Tuy nhiên thói quen này không phải được du nhập học hỏi từ phương Tây ở thời kỳ Minh Trị. Hỏi ra mới biết, người Nhật đi bên tay trái vì ngày xưa các vị samurai thường mang kiếm bên mình (bên tay trái), do đó nếu đi bên phải thì kiếm sẽ vướng vào người khác.
Đây cũng là một điều thú vị vì khi sang Đài Loan mình thấy người Đài vẫn đi bên tay phải, mặc dù Đài Loan học hỏi và bê nguyên xi rất nhiều thứ của Nhật Bản về sử dụng. (Chẳng hạn có thể kể đến như các chương trình giáo dục, hay cụ thể hơn là hệ thống tàu cao tốc shinkansen của Nhật cũng được bán cho Đài Loan năm 2004, khi vận hành ở Đài Loan thì nó chính là tàu cao tốc THSR. Chưa kể tới rất nhiều thứ khác ở Đài Loan bị ảnh hưởng văn hóa Nhật Bản vì có một thời kỳ hòn đảo này là thuộc địa của người Nhật).
Bức ảnh thứ 2 là ảnh mình chụp tại cây cầu kính phía trước Cung Điện Hoàng Gia Nhật Bản. Gọi là cây cầu kính vì nếu chọn đúng góc chụp bạn sẽ thấy được bề mặt phản chiếu của cây cầu và phần trên cây cầu ghép lại thành hình như cái mắt kính!
Đằng sau cây cầu kính là Cung Điện Hoàng Gia, nơi Thiên Hoàng sinh sống. Kỳ thực Tokyo chưa bao giờ được chính thức công nhận là thủ đô của Nhật Bản cả vì một số lý do nhất định. Hiện người ta gọi nó là thủ đô đơn giản vì với người Nhật, cứ nơi nào Thiên Hoàng sống thì là thủ đô của đất nước mà thôi. Còn các thủ đô/ kinh đô chính thức của Nhật Bản trước kia là Nara, Kyoto, Osaka, v.v…
Khi hỏi mình về nước Nhật, bạn bè cũng hỏi: đồ ăn bên ấy thế nào? Mình bảo: Bữa ăn bên ấy hay lắm. Nếu là một bữa cơm kiểu Nhật truyền thống thì trên bàn, mỗi người sẽ có một phần riêng, mỗi phần sẽ có rất nhiều món, mỗi món thì lại chỉ có chút xíu thôi, có món nhón chút chỉ bằng ngón tay. Chúng được đựng trong những chiếc chén, đĩa gốm nhỏ xíu với rất nhiều màu sắc vô cùng đẹp mắt. Có thể nói một bữa ăn là một tác phẩm nghệ thuật ấy. Điểm chú ý tiếp theo là các món hầu hết đều không có nhiều gia vị, không có dầu mỡ, mà có đủ rau củ, thịt, hải sản, nước tương, gừng ngâm, cá hồi… các kiểu. Tức là đồ eat clean hoặc là healthy food cả đấy. Tuy là mỗi món có chút xíu nhưng số lượng các món thì nhiều. Thành ra ăn hết nhiêu đó là bạn vừa đủ chất, vừa đủ lượng luôn. Bởi biết đồ của người Nhật luôn được chế biến rất sạch và chất lượng nên một đứa kỹ tính về đồ ăn như mình rất yên tâm… đánh chén :))) Cơ mà nhiều khách du lịch qua bển thì thấy khẩu vị các món khác với Việt Nam quá nên đi đến vài ngày là bắt đầu… chê. Nhưng thôi mỗi người một khẩu vị mà.
***
Ở phía trên, mình kể khá nhiều điều lý tưởng về nước Nhật, tuy nhiên, bạn cũng đừng thần tượng hóa xứ sở mặt trời mọc. “Ở đâu cũng có anh hùng”… và ngược lại. Ở một đất nước văn minh, quy củ, kỷ luật thép thì bên cạnh đó cũng tồn đọng những vấn đề tâm lý xã hội không thể giải quyết được.
Một trong những trải nghiệm “kỳ quái” của mình ở Nhật là lần nọ, khi bước vào siêu thị EON Mall để mua đồ, đang lựa đồ thì nhìn lên khu vực đồ mỹ phẩm, dầu gội, đồ xịt nách các thứ, bỗng có một anh thanh niên nọ đầu tóc mớ ba mớ bảy hơi luộm thuộm nhưng trên người bận đồ vest khá lịch sự, bước vào. Bỗng nhiên mình thấy mặt anh ta lấm la lấm lét, quan sát xung quanh rồi lấy một chai xịt thơm, xịt lấy xịt để vào người và đi ra rất nhanh.
Trời! Phải nói hắn xịt hết chắc cả nửa chai, xịt thơm lựng cả gian hàng luôn. Đến nỗi mình ở xa chắc 7m mà vẫn thấy cái mùi thơm đặc quánh lại và… muốn xỉu vì cái mùi quá mức đó. Ôi, biến thái!.
Bạn phải hiểu là: trong một xã hội toàn những người lịch sự, luôn miệng nói câu xin chào, cảm ơn, luôn cư xử nhẹ nhàng theo chuẩn mực, đi mua đồ không bao giờ sợ mua phải đồ giả, người ta thối tiền thì bạn không phải đếm lại và việc ăn cắp hay nói dối sẽ bị xã hội tẩy chay… thì cái hành động của anh chàng kia được xếp vào dạng… biến thái! Mới mấy ngày ở Nhật, mình đang kiểu được ở trong 1 xã hội cực kỳ văn minh, thích ơi là thích thì bỗng nhiên trực tiếp thấy cái hình ảnh đó nên thốt nhiên thấy… ớn lạnh. Điều này nhắc nhở mình rằng: ở Nhật, chuyện quái gì cũng có thể xảy ra.
Thực sự mình không biết câu chuyện đằng sau hành động của anh chàng trên nên không thể phán xét gì thêm. Tuy vậy nó làm mình nhớ tới một hiện tượng khác ở quốc gia này.
Hiện tại trong xã hội Nhật xuất hiện một nhóm người gọi là “người Hikikomori” (những người bên lề xã hội). Đây là những người mắc chứng bệnh tâm lý, muốn tuyệt giao với bên ngoài, từ chối xã hội. Những người này chỉ nhốt mình trong phòng, không ra ngoài, không thích nhìn thấy ánh sáng, không giao tiếp với một ai, thường chỉ ăn thức ăn do người nhà đặt trước cửa phòng. Những căn phòng của họ vô cùng kinh khủng: tối tăm, đầy rác, bừa bộn/ Có những người nhốt mình trong phòng 3 năm, 7 năm, 10 năm. Có người thì vì sống một mình, tự nhốt mình cho đến lúc chết được hơn 3 tháng mới được phát hiện.
Cũng có người Hikikomori có biểu hiện khác: vẫn xách cặp đi học bình thường mỗi ngày nhưng lại không đến trường mà chỉ đi loanh quanh, lên tàu điện… rồi đến giờ thì về nhà, mục đích là để không chạm mặt những người quen biết.
Người Hikikomori hiện nay giữ liên lạc với bên ngoài bằng mạng internet, họ đọc sách báo rất nhiều và cập nhật thông tin bên ngoài từ đây. Họ không hề ngu dốt, thậm chí có người có khả năng phản biện hay phân tích cực kỳ tốt. Họ thường là những người rất thông minh nhưng gặp phải một thất bại không đứng lên được; hoặc là người quá cầu toàn, không chấp nhận một sự thật là xã hội vẫn có những kẻ gian dối nên tự thu mình lại, từ chối giao tiếp với bên ngoài.
Cũng có người nọ thì thấy cuộc sống áp lực quá nên đã chăm chỉ đi làm, tiết kiệm được đủ một khoản tiền thì quyết định nghỉ việc và lui về làm… hikikomori. Một ông bác hikikomori nọ thì lại kiểu làm gì cũng vô cùng chuẩn xác. Khi nấu cơm, ông xúc gạo và mang cân đúng số lạng gạo cho một bữa, lấy ly đo đúng số nước cần dùng, lấy đồng hồ bấm số giờ khi xào nấu thức ăn…
Đây là những câu chuyện hiếm hoi mình thu nhận được khi tham gia một buổi Workshop năm 2018, được tổ chức ở quận 2, do một bạn nữ nhiếp ảnh người Việt đã thực hiện bộ ảnh độc đáo về người Hikikomori. Tác giả đã làm bạn với họ, trò chuyện và rất khó khăn để xin phép chụp những bức ảnh kể các câu chuyện của họ trong vòng mấy năm.
Trên phương diện kinh tế, hiện tượng hikikomori đã lấy đi của nước Nhật nhiều lao động mà lẽ ra họ đang trong độ tuổi sung sức nhất.
Do văn hóa của người Nhật là sợ xấu hổ, coi trọng thể diện quá mức nên gia đình của những người này thường sẽ giấu nhẹm đi, chứ không cởi mở giải quyết như người phương Tây, chính vì vậy mà bệnh tình của con cái họ càng ngày càng nặng hơn. Cũng chính xuất hiện những người Hikikomori nên ở Nhật lại xuất hiện thêm một nghề là nghề chăm sóc người Hikikomori. Công việc chính của những người này là mỗi ngày đều đặn sẽ đến nhà để trò chuyện với người bệnh. Đây là những người được đào tạo có chuyên môn và bằng cấp đàng hoàng. Nhiệm vụ của họ là làm sao để tiếp cận, trò chuyện, giúp đỡ cho người Hikikomori dần dần quay trở lại với xã hội. Các trường hợp thành công rất hiếm hoi. Cũng có trường hợp thành công rồi thì được một thời gian, họ lại tái phát và quyết định làm Hikikomori lần nữa.
***
Trong một status trên facebook, mình từng nhắc người xưa hay có câu nói đùa: “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, cưới vợ Nhật” và bỏ ngỏ ở đó cho mọi người đồn đoán. Cũng có rất nhiều giả thiết để giải thích cho câu nói này. Một trong số các giải nghĩa có thể hiểu nôm na là: “Ăn cơm Tàu” vì ẩm thực của người Hoa được nấu nướng trình bày rất cầu kỳ, ngon miệng và ngày xưa đi ăn sang thì chỉ có các hàng quán của người Tàu (chứ không nhan nhản như bây giờ có quán Pháp, quán Ý…). Nên ăn cơm Tàu là sang, là biết ăn nhất.
“Ở Nhà Tây”: vì nhà Tây là nhà lầu, mát mẻ, đẹp, chắc chắn và cũng là người giàu thì mới cất nhà kiểu Tây được.
Còn tại sao lại nên “lấy vợ Nhật”?
Câu trả lời là vì người vợ Nhật là những người phụ nữ vô cùng đảm đang. Trong văn hóa Nhật từ cách đây rất lâu, các cô gái khi đến tuổi thiếu niên là không còn được dạy chữ hay kiến thức nữa, mà sẽ được dạy cho công – dung – ngôn – hạnh, bí quyết chăm sóc gia đình, cách dạy con, cách giữ chồng, luôn một vâng 2 dạ với chồng… Người vợ Nhật truyền thống sẽ không ra ngoài xã hội mà thế giới của họ chỉ thu lại trong hai chữ “gia đình”. Có thể nói là cưới được vợ Nhật thì người đàn ông sướng như tiên vì vợ cái gì cũng biết thu vén và cái gì cũng giỏi. Không những vậy mấy anh mấy chị còn truyền tai nhau: Vợ Nhật chiều chồng lắm. Chồng mà đi nhậu về say thì vợ ra dìu vào, cởi giày, tẩm quất cho :)))
Ngày nay thì phụ nữ Nhật vẫn giỏi như vậy, cơ mà ngược lại, vô hình chung lại có một áp lực mới cho đàn ông Nhật. Bởi vì khi người phụ nữ toàn tâm toàn ý ở nhà thì đàn ông phải ra ngoài làm việc, kiếm tiền với một thu nhập cao ngất ngưởng thì mới có thể nuôi mình, nuôi vợ mình và cả con mình. Thử tưởng tượng ở cái nơi mức sống cao, chi phí nhà ở điện nước, đi lại đều đắt đỏ như vậy, nuôi mình còn khó thì còn nuôi thêm 2,3 miệng ăn, rồi các chi phí khác nữa thì như thế nào?
Thế nên mới có tình trạng ngày nay cả nam giới và nữ giới Nhật đều chọn cuộc sống độc thân và chọn con đường sự nghiệp thay vì có cả sự nghiệp và gia đình. Nhiều người đàn ông thì cưới luôn cả robot, búp bê tình dục hay nhân vật ảo làm vợ vì họ không biết càm ràm, luôn chung thủy và không gây thêm áp lực kinh tế cho anh ta.
Trước khi đi Nhật, mình cũng đọc báo về Nhật Bản khá nhiều, thì thấy ở bển không phải nơi nào cũng yên bình mà mấy vụ ăn cắp, đánh nhau, giết người cũng diễn ra liên miên, nhất là ở những vùng có người Việt sang xuất khẩu lao động. Phần lớn các vụ việc mâu thuẫn này diễn ra thường là giữa người Việt với người Việt, giải quyết tư thù với nhau. Họ không dám báo cảnh sát vì sợ những việc này đem ra xử lý thì họ sẽ bị trả về nước. Cũng có người đã hết thời hạn lưu trú thì trốn ở lại, trốn chui trốn nhủi… Đọc đến đây cứ thấy chạnh lòng. Sao không chọn cho mình con đường đường đường chính chính…
Còn nhiều câu chuyện khác về nước Nhật nhưng trong phạm vi bài viết này mình chỉ điểm lại các nét nổi bật. Âu cũng là để dễ dàng hình dung thêm về một đất nước ở khu vực Đông Bắc Á với nhiều điều kỳ lạ và khác biệt mà mình đã có dịp ghé tới trong năm vừa qua. Thật may sao, càng đi lại càng mở mang thêm được nhiều kiến thức và góc nhìn thú vị. Quan sát và cảm nhận thế giới cũng là cách để rút ra những bài học cho riêng mình.
“Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”.
Đi xong chuyến này thì thấm lắm!
Link bài tham khảo thêm về người Hikikamori: http://cafef.vn/hikikomori-chuyen-it-biet-ve-nhung-nguoi-nhat-ben-le-xa-hoi-20160831104306028.chn
No Comments