Menu
Travel with Lien

Rạng Rỡ Tương Tây: show diễn độc đáo về văn hóa vùng Tương Tây, Trung Quốc

Nếu có dịp đến với Trương Gia Giới – Phượng Hoàng cổ trấn, bạn nhất định phải xem show diễn nghệ thuật độc đáo “Rạng Rỡ Tương Tây” (Charming Xiangxi Show). Đây là show diễn được “sắp xếp” bởi bàn tay tài hoa của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, “Rạng Rỡ Tương Tây” đã cho khán giả cảm nhận được mọi khía cạnh văn hóa độc đáo của các dân tộc miền núi ở phía Tâu tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.

Trong chuyến đi Phượng Hoàng Cổ Trấn – Trương Gia Giới vừa rồi, mình đã có dịp thưởng thức show diễn này nên hôm nay review lại 1 chút cho các bạn tham khảo nhé.

Đôi nét về nhà hát Tương Tây (Xiangxi)

Nhà hát Xiangxi (Tương Tây) là nhà hát lâu đời nhất ở Khu thắng cảnh Vũ Lăng Nguyên, Trương Gia Giới – nơi có những đỉnh núi cao chót vót và phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Được thành lập vào năm 2001 với sức chứa 3000 khán giả, sau nhiều năm phát triển, Nhà hát Xiangxi đã trở thành một nơi biểu diễn văn hóa và du lịch nổi tiếng.  

Một thống kê chưa đầy đủ cho thấy, nhà hát Xiangxi đã đón gần một ngàn khán giả mỗi ngày, trong đó các cặp vợ chồng và người yêu chiếm hơn 30%.

“Rạng Rỡ Tương Tây” có gì hay?

“Rạng Rỡ Tương Tây” là một hoạt động giải trí thú vị về đêm cho bạn nếu bạn đang ở Vũ Lăng Nguyên (Trương Gia Giới, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc). Đây là một show diễn nghệ thuật thú vị tại nhà hát Xiangxi với nhiều tiết mục độc đáo, mô tả mọi khía cạnh văn hóa độc đáo của các dân tộc trong khu vực tự trị Tương Tây (Xiangxi) ở Hồ Nam.
“Rạng Rỡ Tương Tây” được chia làm 2 phần: Phần đầu biểu diễn ở sân khấu bên trong và phần sau biểu diễn ở sân khấu bên ngoài. Khoảng 7:30 tối, chương trình chính bắt đầu với những màn biểu diễn ca múa nhạc rực rỡ.
Tầm 9:00 tối, show diễn bên trong kết thúc, toàn bộ khán giả di chuyển ra sân khấu bên ngoài để thưởng thức những màn khinh công, viết thư pháp phổ biến trong văn hóa Trung Hoa.

Phần trình diễn tại sân khấu bên trong: sống động, thu hút 

Có thể mọi người đều có tâm lý khá ngại ngần để đăng ký vì lo lắng về vấn đề ngôn ngữ. Tuy nhiên show diễn rất chu đáo khi đã chuẩn bị một số bản dịch trên màn hình lớn bằng tiếng Hàn, tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Trung nên mọi người sẽ nắm được khái quát nội dung của từng tiết mục.

Xuyên suốt chương trình là nhiều tiết mục với âm nhạc và nhảy múa làm căn bản. Trang phục của các diễn viên được đầu tư rất kỹ lưỡng với sự chuẩn bị tinh tế. Các diễn viên như hòa mình và sống trong từng điệu múa, câu chuyện chứ không còn là biểu diễn nữa.

Nội dung show diễn kể lại các phong tục tập quán của người Miêu, Dao

Rạng Rỡ Tương Tây là nhiều phân cảnh riêng biệt khác nhau. Trong chương trình sẽ có nhiều tiết mục thú vị như “khóc cưới”, leo lầu, cương thi, múa trống… Qua đó người xem sẽ biết thêm rất nhiều phong tục tập quán thú vị của người Miêu, người Dao ở châu tự trị Tương Tây (Xiangxi).

  • Trong số các tiết mục thì vui nhộn nhất có lẽ là tiết mục “leo lầu” của các thanh niên dân tộc Dao để… cua gái.
  • (Tujia Kujia) hay còn gọi là tục “khóc cưới” của các cô gái Miêu. Mỗi cô dâu khi chuẩn bị lấy chồng phải khóc từ 3 ngày đến 1 tháng trước ngày cưới để báo hiếu cha mẹ, anh chị em. tục này bắt nguồn từ việc người Miêu sống ở vùng núi rừng, mỗi cô gái sau khi lấy chồng, vì đường sá xa xôi cách trở sẽ chưa biết khi nào mới về lại thăm cha mẹ được. Chính vì vậy họ phải khóc trước để báo hiếu cha mẹ, anh chị…
  • Biểu diễn múa trống Miao: Múa trống là nghệ thuật múa độc đáo nhất ở vùng Miao của Trung Quốc. Nó khá phổ biến ở quận tự trị Xiangxi Tujia và Miao ở tỉnh Hồ Nam. Điệu múa trống Miao có một lịch sử lâu đời. Nó được tạo ra trong các hoạt động nghi lễ của Miao trước triều đại Hán Trung Quốc.

  • Cương Thi: là tiết mục kể lại câu chuyện vì sao lại có “Cương Thi” (xác chết biết nhảy). Đây thực ra bắt nguồn từ một câu chuyện rất đau lòng trong lịch sử.
  • Trong buổi diễn cũng có một tiết mục mô tả câu chuyện tình yêu dang dở của cô bé Thúy Thúy và cậu Hai Na Tống trong tiểu thuyết Biên Thành của Thẩm Tùng Văn. (Thẩm Tùng Văn là một nhà văn nổi tiếng tại Trung Quốc, ngang hàng với Lỗ Tấn. Phượng Hoàng Cổ Trấn cũng chính là quê hương của ông. Bởi vậy tên tuổi của ông cũng chính là niềm tự hào của người dân Tương Tây. Ngày nay đến cổ trấn, bạn có thể ghé thăm ngôi nhà của ông, giờ đã là chỗ lui tới thường xuyên của khách du lịch).

Giải thích về sự ra đời của câu chuyện “ma Cương Thi”

Trong “Rạng Rỡ Tương Tây”, du khách sẽ được xem 1 phân cảnh nói về sự tích ra đời của “ma Cương Thi”. Có lẽ với tôi, đây là phần ấn tượng nhất.
Khi sân khấu được mở màn, trước mặt khán giả là một cảnh tượng ghê rợn nơi miền núi hoang dã. Khung cảnh mở ra với hình ảnh một con đường gồ ghề dẫn lên núi được bao quanh bởi  cây cối chằng chịt. Gió cứ gào rít từng cơn. Trong đêm tối, một ánh trăng lưỡi liềm lạnh lẽo treo trên bầu trời…
Bỗng một tiếng chuông ngân vang phát ra từ khu rừng yên tĩnh. Trong đêm sâu tịch mịch, trên con đường vắng vẻ, một nhóm người lầm lũi đột nhiên xuất hiện. Tất cả muông thú giật mình im  bặt khi tiếng chuông mỗi lúc 1 gần hơn. Tiếp đó, tôi nghe thấy tiếng những bước chân yếu ớt. Tiếng bước chân sao mà vắng lặng lạ lùng…
Kiểu như tiếng của ai đó đang nhảy!
Cuối cùng, ánh sáng lộ ra, một người đàn ông mặc áo choàng màu xanh đậm đang vừa đi bộ vừa lắc chuông, dẫn theo một nhóm người. Họ đội mũ cao và khoác áo choàng đen, lớn. Không ai có thể nhìn thấy khuôn mặt của họ vì chúng bị dán 1 tờ giấy màu vàng với những dấu lạ. Và một sự thật khủng khiếp khi tôi nhận ra: đấy chính là những xác chết biết nhảy. Họ đang lê dài phần thân trên của mình để di chuyển một cách cứng nhắc. Họ nhảy, một cách cần mẫn và đều đặn về hướng Tương Tây. Và cứ thế, lầm lũi trong đêm tối, chỉ có 1 thứ âm thanh the thé xung quanh…
Họ chính là Cương Thi – những xác chết biết nhảy đang tìm về cố hương.
Đây là một câu chuyện diễn ra ở Tương Tây vào thời điểm cách nay trên dưới 100 năm. Khi chiến tranh loan lạc xảy ra, nam nhi trai tráng bị bắt đi đánh trận, người chết như ngả rạ. Và bởi vì người chết quá nhiều, đường sá từ các nơi về Tương Tây quá xa xôi cách trở nên người nhà không thể đi nhận xác các binh sĩ hy sinh. Thêm vào đó, người Tương Tây rất yêu mến quê hương minh nên dù có chết cũng phải về cho được cố hương. Chính vì vậy, thầy cúng đã nghĩ ra cách dán bùa phép để dẫn dụ người chết tự tìm về quê hương. Đây cũng chính là nguồn gốc ra đời của “Ma Cương Thi”.

Hiểu ra mới biết, “Cương Thi” là một câu chuyện đầy tính nhân văn chứ không hề ghê rợn như bao câu chuyện thêu dệt tôi từng nghe.

Lưu ý: Chương trình này là để cho phép cảm nhận văn hóa con người độc đáo của Xiangxi. Do âm nhạc và cảnh tượng khá ghê rợn nên khán giả cần lưu ý trước.

Thông tin về show “Rạng Rỡ Tương Tây”:

  • Giá vé: 350 tệ
  • Thời gian: 7:30 pm – 9:00 pm (khoảng 1 tiếng rưỡi)
  • Địa chỉ: Quảng trường văn hóa quốc tế Hồ Nam, số 20 đường Guihua, quận Vũ Lăng, Trương Gia Giới, Hồ Nam.

Một số hình ảnh trong phần sân khấu ngoài trời

Giao lưu với nghệ nhân viết thư pháp nổi tiếng

hàng ngàn khán giả hồi hộp theo dõi các phần biểu diễn khinh công, viết thư pháp

Biểu diễn khinh công

Biểu diễn người đi trên dao

Sân khấu bên trong hạ màn

No Comments

    Leave a Reply