Menu

Bác sĩ Phương Nguyễn: Nguyên nhân gây đột quỵ trong thể thao sức bền?

Có lẽ thời gian gần đây giới chạy bộ liên tục nhận được thông tin không vui, mặc dù tỷ lệ là rất hiếm nhưng nó lại xảy ra ở các bạn hầu như còn rất trẻ (< 35 tuổi) và chưa phát hiện bệnh nền, những người được coi là đại diện cho lối sống khoa học và lành mạnh, dễ gây hoang mang cho những người chơi thể thao và cả cộng đồng chạy bộ.

Mình có thể hình dung trong tương lai những sự cố tương tự sẽ vẫn là điều không thể tránh khỏi. Nhưng nếu chúng ta chơi thể thao với sự hiểu biết rõ ràng về nguyên nhân và sự chuẩn bị kỹ càng về kỹ năng, thiết bị sơ cứu, việc tập luyện, thi đấu sẽ ngày càng hiệu quả và an toàn hơn. 

Nhiều nguyên nhân có thể gây ngừng tim đột ngột khi tập luyện, bao gồm:

– Bệnh có tổn thương cấu trúc tim
– Bệnh cơ tim phì đại
– Bất thường mạch vành
– Bệnh cơ tim loạn nhịp thất phải
– Viêm cơ tim cấp
– Vỡ phình động mạch chủ: Hội chứng Marfan
– Rối loạn nhịp tim (đa phần liên quan đến gen)
– Nhịp nhanh đa hình thái do cường giao cảm
– Hội chứng QT dài và ngắn
– Hội chứng Brugada
– Hội chứng Wolff-Parkinson-White
– Rối loạn nhịp nhanh xuất phát từ đường ra thất phải

Hầu hết nguyên nhân gây ngừng tim đột ngột ở các vận động viên trẻ đều có nguồn gốc từ di truyền hoặc bẩm sinh trong đó bệnh cơ tim phì đại chiếm tỷ lệ nhiều nhất lên tới 27%.

Chứng đột quỵ còn xảy đến do thiếu máu cục bộ lên não (tắc mạch, chiếm tỷ lệ 85%) và xuất huyết não (vỡ mạch, chiếm tỷ lệ 15%). Tình trạng này bắt nguồn từ nhiều yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu…  

Nhóm đối tượng thanh niên có thói quen sinh hoạt không lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu bia, ít vận động, ăn uống nghèo nàn dưỡng chất, thường xuyên chịu nhiều áp lực công việc và stress… chính là nhóm nguy cơ cao nhất của chứng đột quỵ.

Có nhiều cách để tầm soát các nguyên nhân này bao gồm khai thác kỹ các nguy cơ di truyền từ gia đình, sức khỏe hiện tại, các xét nghiệm kiểm tra (ECG, siêu âm tim) và nhiều xét nghiệm cao cấp khác tùy theo đánh giá của các chuyên gia Tim Mạch.

Đáng tiếc là vẫn có đến hơn 10% các trường hợp ngừng tim đột ngột mà không tìm ra bất thường nào về cấu trúc của tim. Nhiều bệnh lý rối loạn nhịp và bệnh lý gen tiềm ẩn vẫn còn là thách thức trong chẩn đoán. Mặc dù việc chẩn đoán để phòng ngừa sớm là vô cùng khó khăn, nhưng nếu có sự chuẩn bị kỹ và lắng nghe cơ thể của mình thì rủi ro sẽ hiếm xảy ra hơn. Cũng như vai trò của y tế tại chỗ mạnh thì sẽ cứu sống được một số trường hợp đáng tiếc.

CHÚNG TA SẼ VƯỢT QUA SỢ HÃI CHỨNG ĐỘT QUỴ TRONG CHẠY BỘ NHƯ THẾ NÀO?

Trong y học có 1 thuật ngữ mô tả sự sợ hãi phi lý khi vận động là: kinesiophobia – được định nghĩa là nỗi sợ hãi quá mức gây suy nhược khi vận động và hoạt động thể chất xuất phát từ cảm giác dễ bị tổn thương do chấn thương hoặc chấn thương tái phát, được coi là yếu tố trung tâm trong quá trình đau phát triển từ cấp tính đến mạn tính.

Trong trường hợp người chơi thể thao có những bệnh lý nền, nếu không thể có bác sĩ điều trị, bác sĩ phục hồi chức năng cùng đồng hành, bạn cũng cần đến bệnh viện thường xuyên để kiểm tra sức khỏe và nhìn thấy những kết quả của của việc tự rèn luyện. Khi tập luyện, không nên tập luyện một mình để phòng tình huống bất ngờ. Một số bệnh nhân dị dạng mạch máu não, có bệnh tim cấu trúc như cơ tim phì đại, rối loạn nhịp tim thoáng qua nhưng chưa có triệu chứng và cũng không biết bản thân có bệnh lý, khi tập luyện có thể rất nguy hiểm. Do đó, lời khuyên là đừng bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo của cơ thể như khó thở, tức ngực, chóng mặt, buồn nôn, nôn ói…. Ngay lúc có những triệu chứng này, bạn cần phải dừng tập ngay lập tức và gọi người hỗ trợ. 

Bạn không nên cho rằng tập luyện thể dục thể thao là một việc gì đó quá dễ hoặc cho rằng nó là điều gì đó quá sức, hãy tập theo nguyên tắc tập từ nhẹ đến nặng, từ ít đến nhiều, từ chậm đến nhanh để cơ thể có thời gian thích nghi. 

HÃY ĐI KIỂM TRA SỨC KHOẺ ĐỊNH KỲ 

Với thiết bị Y tế hiện đại ngày nay, các bác sĩ sẽ tầm soát được mọi ngóc ngách của hệ tim mạch, hệ cơ xương khớp, hệ tiết niệu, hệ tiêu hóa… Mọi bất thường sẽ được phát hiện và cảnh báo. Vì vậy đừng quên đi khám bệnh định kỳ để tầm soát.

Hãy gặp bác sĩ thể thao của mình để được tiên lượng được khối lượng vận động phù hợp nhất cho người có bệnh lý, có lời khuyên cụ thể và thiết kế các bài tập vừa sức, an toàn để bạn tập luyện. 

Hi vọng với những thông tin chia sẻ qua những bài viết này sẽ giúp ích được phần nào cho các runner trong quá trình chuẩn bị cho bản thân một thái độ nghiêm túc nhất để có thể tham gia thể thao sức bền an toàn, hiệu quả. Vượt qua nỗi sợ hãi phải đối diện với rủi ro trong hoạt động thể lực.

Dr. Phương.

Chia sẻ từ Bác Sĩ – Runner Phương Nguyễn, từng học tại ĐHYD TP. Hồ Chí Minh, từng làm Bác sĩ VLTL – PHCN; hiện đang là Bác sĩ Y Khoa của VNVC Việt Nam.

No Comments

    Leave a Reply