Menu
Running with Lien

HCMC 2019 và vài dòng suy nghĩ sau câu chuyện đột tử vì chạy bộ

Cho đến bây giờ giải chạy HCMC 2019 đã qua được mấy ngày, thế nhưng khắp giới chạy bộ vẫn còn rúng động vì câu chuyện của bạn T (23 tuổi) bị đột quỵ trên đường chạy trong hôm diễn ra giải đấu khi tham gia cự ly 42km.


Thời gian vài năm trở lại đây, phong trào chạy bộ ngày càng phát triển và càng ngày càng có nhiều người tham gia hơn, cho thấy một lối sống tích cực đang được giới trẻ đón nhận. Tuy vậy sự kiện đau buồn diễn ra trong giải HCMC 2019 đã khiến không ít người “chưa chạy bộ” không khỏi rúng động. Có người chưa chạy đã “sợ hãi” không chạy nữa. Còn những người “đã chạy” thì lấy đó làm bài học răn dạy bản thân.

Thực tế là để hoàn thành 1 cuộc đua marathon hay bán marathon, nếu bạn có mức độ sức khỏe trung bình và có luyện tập theo bài thì khả năng bạn hoàn thành được cuộc đua (không bị DNF – Did Not Finish) là rất cao. Bởi vì các cuộc đua cho thời gian COT (Cut Off Time) là lên tới 8 tiếng cơ mà. 8 tiếng đó nếu chịu khó đi bộ bền bỉ và chạy nhẹ thì cũng hoàn thành được 42 km (cự ly Full Marathon).
Tuy nhiên thực tế là để gọi hoàn thành cuộc đua marathon thì không phải chỉ “miễn là finish”. Bạn cần có sự chuẩn bị tốt về sức khỏe, tinh thần, trang phục, gel năng lượng, viên điện giải… đầy đủ cho ngày đua để giảm tỉ lệ chấn thương tới mức cao nhất. Và đặc biệt là làm sao để chạy xong mà không bị suy nhược cơ thể.
Vâng! Để hoàn thành một FM thì dễ, chỉ có điều là sau đó 1 tuần, 1 tháng, bạn có thực sự khỏe lại nhanh chóng không hay cơ thể có phần yếu ớt, ho và suy nhược? Tôi nói như vậy là bởi tôi từng có trải nghiệm xấu đó.


Trước đây muốn thử thách bản thân (nhưng chưa chuẩn bị cho mình một nền tảng dinh dưỡng và thể lực tốt) tôi đã tham gia giải Techcombank Marathon 2017 – cái full marathon đầu đời. Rồi tiếp đến là DLUT 2018 trail marathon. Tất cả đều ở cự ly 42 (vì tôi muốn thử 1 cự ly mới). Cả 2 giải này tôi nhận được lời mời tham gia trải nghiệm chứ không lên kế hoạch trước nên không luyện tập bài bản… (Dù tôi tham gia nhiều lần cự ly 21 km nhưng cự ly 42 km là một chuyện khác).
Cuối cùng, tôi đã hoàn thành cả 2 giải chạy trên 1 cách thành công (với bản thân tôi). Ở giải Techcombank, tôi hoàn thành Full Marathon trong 6 tiếng 33 phút. Ở giải Đà Lạt Ultra Trail, tôi hoàn thành Full Marathon trong 9 tiếng 21 phút (hay 25 phút gì đó). Tuy nhiên sau đó tôi đã nhận lấy hậu quả.
Sau FM Techcombank, tôi bị mất dần 3 móng chân (chuyện này hết sức bình thường với các runner) nhưng quan trọng là tôi mệt, khá lâu mới hồi phục lại và chán chạy. 3 tháng sau tôi tham gia DLUT2018 và may mắn hoàn thành tốt hơn mình tưởng. Vì tôi là một đứa yêu thích thiên nhiên nên tôi hoàn toàn enjoy với cuộc đua.
Tuy vậy sau khi rời Đà Lạt về Sài Gòn 1 tuần, tôi cũng  bị suy nhược cơ thể. Từ đó cho tới suốt 3 tháng sau tôi luôn trong tình trạng miễn dịch yếu (tức là dính mưa một tí thì cảm sốt, viêm họng các kiểu liên miên. Tôi lại cứ tưởng do cơ địa của mình yếu, hay bị viêm họng  – vì cv của tôi lúc đó thường xuyên cần đọc voice over).
Và cuối cùng thì tôi phải thừa nhận với bản thân: nhìn lại gốc rễ của vấn đề thì nguyên nhân chính là do tôi đã thi đấu quá sức – gọi chính xác là “lao lực”. (Tôi đã từng tự lừa dối bản thân và không muốn nói ra điều này vì các sếp của toy mà biết thì sẽ không duyệt nghỉ phép cho toy đi race nữa. Lần race Đà Lạt này sếp tài trợ  1 đêm Airbnb, còn lần race Techcombank thì sếp cho nghỉ 2 ngày làm việc ở nhà để tiện nghỉ ngơi sau race).


Bây giờ thì sau 1 năm, tôi đã thay đổi cách ăn uống, chú trọng bổ sung dinh dưỡng và luyện tập thường xuyên nên về cơ bản nền tảng sức khỏe đã tốt hơn trước rất nhiều. Giờ đây tôi xây dựng nền tảng thể lực cho mình và thử thách mình theo kiểu step by step (từng bước từng bước một). Đây cũng là cách mà tôi quan sát được ở các bạn VDV nước ngoài  khi tham gia bộ môn  marathon.

Nếu mới tham gia, họ sẽ luyện tập để có thành tích cực tốt ở cự ly 10km, tiếp đó là 21km, rồi tăng lên từng chút một tới 42km và dài hơn. Người Việt mình thì có nhiều bạn không tránh khỏi cảm giác muốn nhanh chóng chinh phục bản thân và thấy người khác làm được thì mình cũng muốn “đốt cháy giai đoạn” để làm cho được. (Lại có bạn vừa rồi thấy tôi chạy HCMC chỉ ở cự ly 10 km thì hỏi một cách đầy thắc mắc, vì luôn thấy tôi chạy 21 hoặc 42 km ở các giải lớn kia mà??).
Thì đúng vậy!
Trong vòng 1 tháng liên tục tôi không thể tham gia 2 cái giải Full Marathon được. Với một người không luyện tập nhiều, như thế là phá sức và dễ dính chấn thương. Tôi không phải vận động viên chuyên nghiệp và nền tảng thể lực cũng ở mức bình thường. Chạy thì vẫn chạy được nhưng kết quả sẽ không như mình mong muốn).

Thêm nữa, kỳ thực ai chạy tốt hơn ai, nó không phải dựa trên sức mạnh mà là sức bền và sự tích lũy. Một bạn A đó có sức mạnh tốt hơn bạn B, nhưng khi ra chạy cùng 1 cự ly có thể bạn B sẽ chạy tốt hơn. Vì nguyên nhân là B đã luyện tập môn này tới 4 năm, A thì mới 1 năm, cơ thể A, chân A chưa thích nghi và chưa tích lũy đủ sức bền, chưa tích lũy đủ số km thì chắc chắn là khi tham gia cự ly dài, A sẽ không có thành tích tốt bằng B.
Đây là một thực tế. Đừng quá nóng vội, hãy quan sát và hiểu cơ thể mình. Chạy bộ rất thú vị, bởi đó cũng là quá trình quan sát và làm hòa với chính bản thân bạn. Chạy bộ là 1 kiểu đam mê, sẽ có lúc chán nó, bị nó làm chấn thương, lại thấy có lúc nghiện nó đến cuồng chân, đang đi làm mà cứ mong tới giờ nghỉ để… xách giày ra chạy, mua được đôi giày mới thì sướng ran cả tuần. Rồi thì mỗi giải chạy đến thì hồi hộp như là ngày Tết. Mỗi năm người ta có 1 ngày Tết, runner chúng tôi mỗi năm có đến dăm ba cái Tết. Hỏi thế sao mà không hạnh phúc?

Tiếp tục nói về việc luyện tập để thi đấu tốt môn “chạy bộ”.
Sự thực là bất cứ ai khi tham gia 1 giải chạy marathon đều phải luyện tập. Có những người nói họ “không luyện”, tức là họ không có kế hoạch tập luyện cho giải này, nhưng họ vẫn âm thầm luyện hàng ngày cho các giải sắp tới hoặc Iron Man. Hoặc là họ vẫn… “giải trí” hàng ngày với bơi lội, đạp xe, tập gym, chạy bộ xen kẽ, kết hợp với ăn uống khoa học nên có một nền tảng thể lực luôn tốt. Vậy nên đừng có để những tay nói “không luyện gì cả mà vô race vẫn chạy tốt” đánh lừa bạn.

Để thực sự chạy bộ tốt, thì bạn cần tìm hiểu kỹ hơn về dinh dưỡng, ăn đúng, ăn đủ, ngủ đủ, không thức khuya và đặc biệt giảm bia rượu. Nhiều anh hiện tại đang ở độ tuổi ba mươi hoặc hơn chút xíu đang chạy rất tốt. Nhưng vấn đề dinh dưỡng có vẻ chưa được chú trọng, vì họ đã có gia đình nên khá khó khăn trong việc theo dõi và nạp đúng, đủ dinh dưỡng cho bản thân. Tôi thực khá lo lắng nếu như họ tiếp tục không chăm sóc tốt bản thân về vấn đề dinh dưỡng (vì họ muốn theo đuổi mục tiêu cao hơn trong chạy bộ).

Thêm nữa, những nếp khác trong sinh hoạt như ngủ sớm, ngủ đủ, không (hoặc hạn chế tối đa) bia bọt… dường như các anh cũng chưa chú trọng. Cứ nhìn chị Tiểu Phương thì biết, dù chị đã ở tuổi 46 nhưng thi đấu vẫn rất tốt. Chị thi tốt vì, ngoài tinh thần chiến binh quật cường của chị, chị còn dùng “não”. Ý tôi là chị dùng ý chí để nghiêm khắc kỷ luật với bản thân, luôn chú trọng dinh dưỡng, không bị những món ngon nhưng không healthy cám dỗ, không bia rượu, đi ngủ sớm… Bia rượu thì thường đi kèm với thức khuya, 2 nhân tố này tàn phá tinh thần và cơ thể mình rất nhiều.
Nói tóm lại, sau 1 quãng thời gian dấn thân vào chạy bộ, tôi quan sát xung quanh, học hỏi từ những người có kinh nghiệm và rút ra cho bản thân những bài học cho riêng mình.

Thông qua sự việc của bạn T vừa rồi, mong rằng những bạn vừa mới bước chân vào chạy bộ sẽ kiên nhẫn luyện tập, nếu trước race thì nên có plan tập đàng hoàng, không quá nôn nóng để đạt thành tích, chịu khó chú trọng đến vấn đề dinh dưỡng và luyện tập đều đặn để có nền tảng sức khỏe tốt.
Trước khi tham gia race thì nên: chuẩn bị tốt  cả về sức khỏe tinh thần và sức khỏe cơ thể, chuẩn bị trang phục chạy bộ phù hợp. Nếu tham gia cự ly dài thì nên mang theo gel, viên điện giải để bổ sung kịp lúc (thực sự nếu không có gel, điện giải thì trên cự ly 42 bạn dẽ bị sụp nguồn lắm).

Trong khi race: Nên bổ sung nước một các nhịp nhàng. Ở những km đầu tiên thì nên chạy pace chậm hơn bình thường để làm nóng cơ thể và giữ sức bền cho đến cuối. Vì cự ly 21 rất khác với cự ly 10km, 42km rất khác với 21 km (chứ không phải chỉ là gấp đôi quãng đường như bạn nghĩ đâu). Đó là  những cái ngưỡng rất khác nhau, và đây là cuộc chơi của sức bền chứ không phải sức mạnh.

Cũng trong khi race, mọi người hay bị ám ảnh với cụm từ DNF (Did Not Finish) tuy nhiên miễn là bạn không DNS (Did Not Start) là bạn đã chiến thắng bản thân rồi. Còn DNF hay không còn dựa vào các yếu tố khác. Một khi bạn đã bị chấn thương hoặc tiếng nói của cơ thể bảo bạn đã quá sức hoặc những lý do khác… bạn có thể giảm tốc độ xuống hoặc cho phép bản thân dừng cuộc đua để bảo toàn sức khỏe.
Bạn chỉ là vận động viên phong trào, không phải các vận động viên chuyên nghiệp nên bạn không thể hiểu hết bản thân về tim mạch, cơ bắp, dinh dưỡng các kiểu. Do đó, vui thôi đừng vui quá nhé. Chạy bộ là để khỏe, chạy bộ là để vui và hạnh phúc hơn nên hãy để cho những người thân của bạn có cái nhìn đúng đắn về chạy bộ. Và cuối cùng, nên chú ý đến việc bổ sung dinh dưỡng hằng ngày thật đúng cách. Tất cả đều vì sức khỏe của bạn hôm nay và mai sau.
Ngoài ra một thông điệp cuối cùng tôi muốn nhắn gửi:  rủi ro đột tử trong môn chạy dài là cực kỳ thấp. Do đó, những ai đang chạy bộ, muốn bước chân vào chạy bộ hay sắp đi chạy bộ cũng không cần quá lo lắng. Chỉ cần làm gì cũng có sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo là được. Chúc các bạn luôn vui khỏe và enjoy đường chạy!

1 Comment

Leave a Reply