2019 của tôi mở màn bằng một chuyến đi thú vị và đầy trải nghiệm. Chuyến đi này bất ngờ vì… “năm thì mười họa” mới đi chơi chung được với 2 người bạn trong giới travel blogger và thêm 2 người bạn mới “bựa hết sức”. Riêng 2 cô chú đi cùng đoàn thì thôi rồi, teen hết phần mấy đứa nhỏ luôn :))

Photo: Cường Lỳ
Lịch trình chuyến đi lần này là tham quan làng Cầu Vồng; đi thuyền trên Hồ Nhật Nguyệt; khám phá làng thổ dân Ita thao; trekking qua những con đường trail còn hoang sơ; ghé thăm núi Alishan và đi trên con tàu cổ màu đỏ xuyên rừng huyền thoại của người Nhật…
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có dịp ghé thăm nhà máy TenRen, bảo tàng trà ở Maoli (địa danh giáp với thành phố công nghiệp Tân Trúc). Chúng tôi cũng ghé qua một chi nhánh của TenRen ngay bên Hồ Nhật Nguyệt (Sun Moon Lake) và có một cuộc gặp gỡ thú vị ở đây.

Trekking qua các con đường trail trên núi Alishan trong tiết trời 9 độ C và trời mưa rả rích, lộp độp

Tại bảo tàng trà của Ten Ren ở huyện Maoli

Check- in Hồ Nhật Nguyệt và chuẩn bị lên tàu đến làng thổ dân Ita Thao
Tôi là một người thích tìm hiểu về văn hóa/ địa danh theo một kiểu phải hiểu rốt ráo về nó cho thỏa trí tò mò. Mỗi lần khám phá được điều gì mới, được khai sáng, thì tôi sẽ rất thích viết nhiều hơn một chút về nó. Đó cũng là cách để tôi sắp xếp lại những thông tin và suy nghĩ trong đầu để những gì mới thu nhận được sẽ được nhớ lâu hơn.
Quả thật, có đi Đài Loan thì mới thấy văn hóa trà, cũng như văn hóa trà sữa hiển hiện khắp mọi nơi. Đâu đâu cũng cửa hàng trà sữa, đâu đâu cũng có người xếp thành hàng dài để mua trà sữa. Và sau đó tôi đã có thêm những câu trả lời khi ghé vào TenRen bên Sun Moon Lake trò chuyện với người quản lý ở đây, bà Tống Triệu Vỹ – một người phụ nữ đã tầm 60 – 65 tuổi. Bà nói, người Đài uống trà rất nhiều theo truyền thống từ xa xưa, trà sữa chỉ là một phần trong văn hóa trà ở xứ sở này.

Chụp hình kỷ niệm với bà Tống Triệu Vỹ (bên phải, ngoài cùng)
Bà Tống là một người đam mê và tâm đắc với trà, chính vì vậy bà đã giữ chúng tôi lại đến… 3 tiếng đồng hồ chỉ để ngồi giới thiệu từng loại trà và tự tay mình pha cho chúng tôi thưởng thức. Bà nói, trà có rất nhiều loại trà: Oolong Tea, Green Tea, King’s Tea, White Tea, Jasmine Tea (có mùi hoa nhài), Pu – Erh Tea, Ti Kuan Yin Tea, v.v…… và trà sữa chính là có nguồn gốc từ hồng trà (cũng gọi là Black Tea). Vừa nói, bà vừa pha trà để so sánh. Lá trà Oolong hay các loại khác có màu xanh. Lá hồng trà có màu hồng với sự khác biệt rõ rệt.
Tôi khá quan tâm tới trà Oolong vì loại trà này đã nổi tiếng khắp thế giới. Bà giải thích:
“Oolong, còn được đánh vần là Wu-Long, là một loại trà bán lên men được biết đến với hương vị phong phú và dư vị dễ chịu kéo dài. Oolong được phân loại là trà Oolong Xanh và Oolong Đen. (Oolong Xanh này khác với trà xanh Green Tea). Oolong Xanh có xu hướng có mùi thơm mạnh hơn trong khi Oolong Đen có xu hướng có dư vị mạnh hơn”.
Riêng King’s Tea là loại trà độc quyền của TenRen, được làm bằng trà ô long chất lượng cao được pha trộn với một chút nhân sâm để tạo ra một dư vị khó quên. Trà có hương vị phong phú với dư vị ngọt hơn và lâu hơn so với trà Oolong truyền thống. Vị chua cay liên quan đến nhân sâm không thể được nếm trong loại trà này. King Tea cũng có hai loại: Green và Dark King Tea’s. Chúng phân biệt với nhau bởi thời gian khác nhau trong công đoạn chế biến.
Mỗi loại trà do có nguồn gốc khác nhau, điều kiện thổ nhưỡng, độ cao khác nhau và qua những công đoạn sơ chế khác nhau mà có những vị khác nhau, thích hợp với sở thích của từng người. Có thể nói, uống trà là một nghệ thuật. Người pha trà và người thưởng trà cũng phải là nghệ sĩ. Trước kia, để pha trà, người ta sẽ loại bỏ đi nước trà đầu tiên (ngày xưa viên trà được ve tròn bằng tay, chính vì vậy nên nước trà này cần bỏ đi để đảm bảo hương vị trà sẽ ngon nhất), ngày nay, công đoạn ve viên trà đã được làm bằng máy nên không cần loại bỏ nước trà này nữa. Trà càng pha qua nhiều nước thì vị càng đậm, uống càng ngon. Mỗi bình trà, bạn có thể chế 5,6 lần nước. Vậy cho nên chỉ cần một bình trà, thêm đĩa bánh là bạn đã có được một bữa trà chiều (Tea Time) tuyệt vời.
Cũng bởi vậy người ta thường dùng câu “ngồi xuống ăn bánh, uống trà” để chỉ một sự nghỉ ngơi, thảnh thơi và thư giãn. Còn ở Việt Nam, nhà văn trẻ Phan Ý Yên thì xuất bản một cuốn sách có tựa đề: “khi phụ nữ uống trà, đàn ông nên cẩn thận”, chắc hẳn là ám chỉ các chị rất nữ tính – mềm yếu và yêu thương các anh rất nhiều, nhưng một khi bị phản bội, khi các chị đã có thời gian ngồi xuống bình tĩnh nhấp một chén trà, nghĩ chuyện đối phó với các anh, thì các anh chỉ có đường… chết :))
Tiếp tục nói về cách thưởng trà của người Hoa ở Đài Loan. Thưởng trà đúng cách thì phải có thêm vài đĩa bánh bên cạnh để nhâm nhi. Nếu tôi nhớ không lầm thì khi thưởng trà, có 3 bước: Bước một là đưa lên mũi để ngửi hương thơm của trà. Bước hai là uống một ngụm trà nhưng không nuốt ngay mà giữ lại cho vị trà ngấm ở 2 bên vành miệng rồi đi xuống vòm họng. Cuối cùng là nuốt nhưng phải từ từ để cảm nhận được cái giọt trà nó đang lan xuống. Sau khi uống hết, bạn sẽ cảm nhận được cái vị thanh thanh ngòn ngọt hoặc đắng đót nơi đầu lưỡi.
Đối với người Việt, dù trên bàn trà thì vẫn phải kiểu kính trên nhường dưới, nhưng với người Hoa, nếu đã ngồi uống trà chung thì mọi người được xếp vai vế bằng với nhau, không cần quá cung kính. Khi đưa ly trà vừa mới uống xong để cho người đối diện châm trà, bạn chỉ cần dùng một tay đẩy ly trà trên bàn về phía trước là được (không cần bưng bằng 2 tay). Khi bạn là người khách đến nhà và dùng trà với chủ nhà, nếu bạn đi 1 mình thì nắm bàn tay lại và trỏ 1 ngón tay đặt lên bàn. Nếu đi 2 người thì trỏ 2 ngón tay ra. Nếu đi 5 người thì bạn để cả 5 ngón tay lên bàn.
https://www.instagram.com/p/Bs_3bvZhhPn/
Nói về trà sữa, thì cách chế biến là nấu trà, để nguội, sau đó mới pha thêm mật ong hoặc sữa, hoặc thêm đường, cho thêm lát chanh (tùy loại). Do đó vị của trà sữa TenRen rất ngon, ngan ngát hương thơm của trà, có chút chát đắng và uống cũng có vị thanh chứ không bị ngọt quá như các loại trà sữa mà các bạn thường gặp hiện nay. Topping các loại đều được làm bằng thủ công và nguyên liệu tươi để sao cho trà được ngon nhất.
Trà sữa TenRen khi du nhập về Việt Nam cũng được pha chế cùng công thức như ở Đài Loan nên thường rất được yêu thích. Riêng hạt trân châu thì sẽ được chế biến, nếu sau 2 tiếng đồng hồ mà chưa dùng hết thì sẽ bỏ đi và lấy nguyên liệu mới. Nếu không thích ngọt quá thì bạn ghi chú khi order về % lượng đường, lượng đá…
Chia tay bà Tống, chúng tôi tiếp tục hành trình du hí hồ Nhật Nguyệt, núi Alishan… rồi hôm sau nữa, trên đường về Taipei thì chúng tôi ghé qua bảo tàng trà và nhà máy Ten Ren ở Maoli.

Trong căn phòng này, chúng tôi được ăn trưa với những món ăn làm từ trà
Do đi trúng vào thứ 2 nên bảo tàng trà đóng cửa và chúng tôi không tham quan được, bù lại chúng tôi lại được thưởng thức một bữa trưa tuyệt vời với các món ăn mà tất cả món nào cũng được làm từ trà: mỳ trà xanh, đậu hũ sốt trà, bánh lá trà chiên chấm muối trà xanh, đến cả soup cũng có vị trà…

Một thực đơn có nhiều món được làm từ trà

Bánh lá trà chiên chấm muối trà xanh
…Vào buổi chiều, chúng tôi may mắn được trở thành một trong những người hiếm hoi được vào tham quan dây chuyền sản xuất trà của Ten Ren.

Tham quan nhà máy trà của Ten Ren ở Maoli
Tìm hiểu thêm thì được biết TenRen’s Tea hoặc Tian Ren’s Tea là công ty chuyên về các sản phẩm trà và nhân sâm, trụ sở chính hiện nay là ở Đài Loan. TenRen được thành lập vào năm 1953 tại Đài Loan bởi Ray Ho Lee. “Ten Ren’s Group 天 仁” cũng điều hành các quán trà Cha for Tea ở Nam California, các cửa hàng “Ten Ren’s Tea” ở California, New York, Úc , Nhật Bản, Canada, Malaysia, Việt Nam, v.v… và nhiều quốc gia khác. Mục tiêu của Ten Ren là quảng bá nghệ thuật trà Trung Quốc ra thế giới, chính vì vậy, trong câu slogan bạn sẽ thấy có cụm từ “The Art Of Chinese Tea”. TenRen cũng bước lên là chuỗi cửa hàng trà lớn nhất Đài Loan từ năm 2003.
Cảm ơn chuyến đi “giải ngố” những điều chưa biết về nghệ thuật trà Trung Quốc và rằng: TenRen không chỉ có trà sữa. Mỗi chuyến đi là một bài học, mỗi chuyến đi là một nhân duyên. Chuyến đi này, tôi xin gọi nó là “hành trình tìm hiểu văn hóa trà” để ghi nhớ những mở mang hôm nay.
No Comments