Menu
Share with Lien

Cô gái đạp xe xuyên Việt để đo… bụi

Cô gái trẻ đã đón sinh nhật lần thứ 21 của mình thật ý nghĩa khi vừa hoàn thành hành trình đạp xe xuyên Việt để thực hiện một công việc “không giống ai”: đo nồng độ bụi mịn tại các địa phương mình đến.

Cô gái ấy là Lê Thị Hồng Thủy (21 tuổi), sinh viên ngành Quản trị lữ hành, Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn. Trong chuyến xuyên Việt qua 18 ngày, Thủy gọi đây là hành trình “du lịch bụi” cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

Vừa “du lịch bụi” vừa đo… bụi

Thủy chia sẻ, thật ra đã có dự định làm một chuyến đi xuyên Việt từ một năm trước để đánh dấu một điều gì đó đặc biệt cho tuổi trẻ của mình. Nhưng do bận bịu nhiều việc nên chuyến đi “để đời” được dời đến mới đây. Cùng lúc đó, nhận thấy nhiều bạn trẻ tích cực chung tay vào việc giải cứu môi trường, Thủy liền quyết định “tại sao không kết hợp chuyến đi này với việc tự mình trải nghiệm và so sánh thực trạng ô nhiễm bụi. Biết đâu về sau sẽ trở thành một nguồn tư liệu đáng giá khiến mọi người quan tâm đến vấn đề này”. Nói là làm, cô bạn lên kế hoạch cho hành trình đáng nhớ của tuổi đôi mươi.

Thật may, sau khi chia sẻ về hành trình của mình, Thủy nhận được những cái bắt tay của 3 người bạn đồng hành khác. Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về thể lực, dinh dưỡng, chỗ nghỉ ngơi dọc đường… nên hành trình Nam – Bắc của Thủy và các “chiến hữu” diễn ra tương đối suôn sẻ.

Hồng Thủy cho biết, hành trình xuất phát tại TPHCM với 4 người cùng tham gia. Tuy nhiên, đến địa phận tỉnh Phú Yên, vì chặng đường quá thử thách với thể lực của một chú 65 tuổi nên người chú này đành dừng lại, trở về Sài Gòn trước. Những thành viên khác tiếp tục dấn bước như đã định.

Để đảm bảo an toàn, Thủy và các bạn chọn lộ trình men theo cung đường biển để “né” đường quốc lộ vốn nhiều xe cộ hiểm nguy và nhiều khói bụi. Tuy vậy, nhiều lúc các bạn cũng phải vượt qua các đoạn quốc lộ hay những con đèo dốc cao thăm thẳm, những đoạn xổ dốc đèo đầy gian nan. Mỗi ngày, nhóm đặt ra mục tiêu phải hoàn thành trung bình trên dưới 100km. Có những ngày cả nhóm phải đạp xe leo đèo dốc nên chỉ hoàn thành được 80km/ ngày. Cũng có những ngày nhóm phải “bứt tốc” để về đến được khách sạn nên đã đi được 150km/ ngày.

Chị Thủy cho biết, để chống chọi với cái nắng nóng gay gắt trên đường đi, nhóm đã phải che chắn kỹ lưỡng đồng thời nhờ vào sức bền bởi đã quen với các hành trình đạp xe, chạy bộ giữa nắng từ trước. Gặp lúc xe hư cộng với thời tiết khắc nghiệt, có thành viên trong nhóm xuống sức nên Thủy phải tìm cách chia hành trình, phân phối sức lực hợp lý cho các bạn.

Trong khi đó, nhằm thực hiện một hành trình xanh theo cách riêng mình, Thủy mang theo lều, gạo, bếp ga mini và đồ đựng nước để tự nấu ăn khi có thể. Nhóm tận dụng những nơi có thể xin nước, hạn chế mua nước chai để tránh xả thêm rác thải nhựa vào môi trường. Do mang theo nhiều đồ để chủ động trên hành trình xuyên Việt, mỗi bạn thồ trên xe một balo hành lý nặng khoảng 30kg.

Đặc biệt hơn cả, trong hành trình dài ngày vượt qua nhiều tỉnh, thành phố, Lê Thị Hồng Thủy tranh thủ “check-in” theo cách không giống ai: đo nồng độ bụi trong không khí tại các địa phương mình đến.

“Mình đã trải nghiệm thực tế mức độ ô nhiễm không khí trong môi trường xung quanh mình hiện nay như thế nào thông qua hành trình này. Thông tin về thực trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam nói chung và ô nhiễm bụi mịn (PM2.5) nói riêng vẫn luôn được cảnh báo trên mặt báo, thế nhưng mọi người lại không dành cho vấn đề này sự quan tâm đúng mức. Nói cách khác là chúng ta đang xem nhẹ nó, dù đây là thứ chúng ta hít thở, tiếp xúc từng giây từng phút”, Hồng Thủy nói về lý do thực hiện kế hoạch của mình.

Tại các địa phương đặt chân đến, Thủy dùng thiết bị mang theo để kiểm tra nồng độ bụi mịn trong môi trường ở đó. Kết quả không khỏi khiến nhiều người giật mình, bởi chúng vượt xa so với ngưỡng an toàn cho phép.

“Theo mình tìm hiểu, nồng độ bụi mịn PM2.5 trong tiêu chuẩn an toàn cho sức khoẻ chỉ nên ở mức 10ug/m3. Tuy nhiên theo như những gì mình đo được, thì rất ít địa điểm nằm trong mức an toàn này. Hầu hết đều đang cao hơn, có những nơi giữa lòng thành phố mà chúng ta hay lui tới thì lên đến hơn 100ug/m3 thậm chí là hơn 400ug/m3, gấp chừng 10 – 40 lần so với tiêu chuẩn”, Thủy dẫn chứng.

Yêu môi trường từ những việc nhỏ

Lê Thị Hồng Thủy cho biết, trước chuyến đi xuyên Việt chị đam mê đạp xe, nhưng chỉ đơn giản là để rèn luyện sức khỏe, giải tỏa stress và tận hưởng cuộc sống. Sau chuyến đi, Thủy thay đổi hẳn lối sống của mình đồng thời ra sức kêu gọi bạn bè đi xe đạp để bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Thủy cũng nhắc nhở mọi người tìm hiểu về tác hại của bụi mịn và cách để chống bụi mịn.

“Chúng ta có thể tham gia những việc làm thiết thực hơn trong hằng hà sa số những phong trào kêu gọi bảo vệ môi trường hiện tại. Thay vì bàn những chuyện lớn lao, chúng ta có thể góp sức từ những việc nhỏ nhất hàng ngày như đạp xe đi làm, đi bộ nếu cần di chuyển trong khoảng cách tầm 1km, mua đồ ăn không lấy bịch ni-lông mà hãy dùng túi vải của mình, hạn chế xài chai nhựa dùng một lần, thay vào đó có thể mang ly của mình đi mua, vô quán cà phê phải nói ngay với các bạn nhân viên quán là “mình không dùng ống hút”… Mỗi người một chút, mỗi người một ít, đỡ được phần nào hay phần đó là đã góp phần sống xanh và bảo vệ môi trường rồi”, Hồng Thủy chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên, ThS. Huỳnh Thiên Tài, Trưởng phòng Thí nghiệm Hóa Lý, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, bụi PM2.5 được đánh giá là một trong những tác nhân ô nhiễm không khí có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến sức khoẻ con người. Do có kích thước siêu nhỏ (có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet) nên bụi PM2.5 có khả năng đi sâu vào vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi, thậm chí là cả các mao mạch để vào hệ thống tuần hoàn.

Mặt khác, do PM2.5 có kích thước nhỏ và tổng diện tích bề mặt lớn, chúng có thể hấp thụ các chất ô nhiễm trong không khí và gây nên độc tính mạnh hơn.

ThS. Huỳnh Thiên Tài dẫn chứng, bụi PM 2.5 hấp thụ khí CO hay SO2, NO2 gây kích ứng niêm mạc đồng thời cản trở hemoglobin kết hợp oxy khiến tế bào thiếu oxy dẫn đến suy giảm chức năng phổi và làm nặng thêm tình trạng bệnh hen và bệnh tim. Khi bụi mịn PM2.5 xâm nhập sâu vào phổi sẽ gây nên tình trạng khó thở, ho, hắt hơi, sổ mũi; đặc biệt nguy hiểm với những người mắc bệnh phổi, hen phế quản, nhiễm trùng đường hô hấp. Khi tiếp xúc lâu dài với bụi PM2.5 sẽ gia tăng tỷ lệ viêm phế quản mãn tính, tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim.

ThS. Huỳnh Thiên Tài cho rằng, để bảo vệ bản thân trước nguy hại của bụi siêu mịn, người lớn, trẻ em nên đeo khẩu trang chuyên dụng có khả năng lọc được bụi PM2.5 khi ra đường vào giờ cao điểm hoặc khi làm việc trong môi trường có nhiều khói bụi. Cạnh đó, người dân cũng hạn chế lưu thông trong thời điểm đường sá có mật độ giao thông đông, tránh xa khu vực thường bị ô nhiễm…

“Để giữ an toàn cho sức khỏe trong môi trường nhiễm bụi hiện nay, nên lựa chọn sống nơi có môi trường trong lành, nhiều cây xanh và bảo vệ cơ thể trước khi ra đường. Những người đang mắc bệnh phổi, người già, trẻ em nên tránh xa các nguồn phát thải bụi PM. Với trẻ em cần tuyệt đối hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá. Riêng với không khí trong nhà, có thể sử dụng một số thiết bị lọc không khí, máy điều hòa có khả năng lọc được cả bụi PM10, PM2.5 để cải thiện chất lượng không khí” – ThS. Huỳnh Thiên Tài.

Đi rồi mới thấy được thực tế nhiều nơi rừng bị chặt bỏ nhiều, rồi có nơi những ống khói đồ sộ xả vào bầu không khí… Chính những điều tận mắt nhìn thấy và trải nghiệm, mình mới nhận thức sâu sắc cái nóng mà mình vừa chịu là tác động từ đâu. Từ đó mình càng muốn chung tay nhiều hơn trong các hoạt động sống xanh” – Lê Thị Hồng Thủy.

Thực hiện: Nguyễn Tùng – Thùy Liên

Bài đăng trên báo Tiền Phong (Báo In, số ra ngày 9/9/2019, mục Giới Trẻ. Do tính chất báo giấy khác với báo online nên bài viết trên báo giấy và bài viết được trích lại tại blog này có nhiều hình ảnh và câu chữ đã được cân chỉnh cho phù hợp)

No Comments

    Leave a Reply